Với việc đề xuất điều trị COVID-19 như một bệnh đặc hữu, giống cúm, Tây Ban Nha vừa trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên công khai kêu gọi người dân sống chung với đại dịch.

Tiêm vaccine COVID-19 tại Tây Ban Nha. Ảnh:BBC
“Chúng ta phải đánh giá sự phát triển của COVID-19 từ đại dịch thành bệnh đặc hữu”, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói hôm 10-1, đồng thời cho biết các chính phủ châu Âu có thể nên xem xét COVID-19 bằng những dữ liệu khác với thông số được sử dụng từ trước đến nay. Chính phủ Tây Ban Nha đã nghiên cứu giải pháp mới trong việc theo dõi sự phát triển của COVID-19, trong khi Bộ trưởng Y tế Carolina Darias thảo luận vấn đề này với những người đồng cấp châu Âu.
Nỗ lực trên diễn ra khi Tây Ban Nha ghi nhận 692.000 ca nhiễm mới trong 7 ngày qua, với 13,4% giường bệnh dùng để điều trị bệnh nhân COVID-19. Tỷ lệ này cùng kỳ năm ngoái là 13,8%, thời điểm số ca nhiễm hàng tuần chỉ trên 115.000. Số ca nhiễm do biến thể Omicron tăng kỷ lục nhưng tỷ lệ tử vong và nhập viện thấp đã khiến Thủ tướng Sanchez nghĩ về viễn cảnh điều trị COVID-19 như một bệnh đặc hữu.
Ý tưởng trên đang thu hút sự chú ý và có thể thúc đẩy các nước đánh giá lại chiến lược đối phó SARS-CoV-2. Bộ trưởng Giáo dục Anh Nadhim Zahawi cho rằng nước này “đang trên đường chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu”. Giáo sư David Heymann tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới Luân Ðôn dự báo Anh sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới thoát khỏi đại dịch và coi COVID-19 là bệnh
đặc hữu.
Theo Marco Cavaleri, người phụ trách chiến lược vaccine của Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), với số ca lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng tăng và sự xuất hiện của biến thể Omicron, miễn dịch tự nhiên cùng với miễn dịch do vaccine tạo ra sẽ giúp thế giới tiến nhanh hơn tới kịch bản COVID-19 là bệnh đặc hữu. Khi đó, người dân có thể tiêm vaccine COVID-19 mỗi năm, tương tự như tiêm phòng cúm.
Quá sớm để coi COVID-19 là bệnh đặc hữu
Tuy nhiên, phần lớn các lãnh đạo khác tại châu Âu đang tập trung vào thách thức hiện nay là ngăn chặn số ca nhiễm tăng cao đáng báo động. Ðơn cử như ở Pháp, nơi ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong những ngày gần đây. Ðức hôm 12-1 báo cáo có thêm 80.430 ca nhiễm, số ca mắc trong một ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo còn quá sớm để nhìn nhận COVID-19 là căn bệnh đặc hữu. Văn phòng WHO tại châu Âu nhấn mạnh khu vực này đã ghi nhận trên 7 triệu ca mắc mới trong tuần đầu tiên của năm 2022, tăng hơn gấp đôi trong thời gian 2 tuần. Với tốc độ đó, ước tính hơn phân nửa dân số ở châu Âu có thể sẽ nhiễm Omicron trong 6-8
tuần tới.
Tiến sĩ Catherine Smallwood, quan chức cấp cao của WHO tại châu Âu, giải thích rằng để coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, cần phải duy trì tốc độ lây nhiễm ổn định và có thể dự đoán được điều đó. “Nhưng chúng ta vẫn còn nhiều điều chưa rõ về Omicron và biến thể đang lây lan khá nhanh, đặt ra nhiều thách thức mới. Do vậy, đây chắc chắn chưa phải lúc để coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Ðại dịch có thể trở thành bệnh đặc hữu trong thời gian tới, song việc xác định nó là bệnh đặc hữu trong năm 2022 đang gặp một chút khó khăn trong giai đoạn này”, bà Smallwood lưu ý. Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ vaccine cao có thể là “chìa khóa” để hướng đến viễn cảnh xem COVID-19 như bệnh đặc hữu, nhưng điều kiện này vẫn chưa được đáp ứng.
Theo trang euronews.com, hơn 69% dân số của Liên minh châu Âu đã được tiêm đủ liều vaccine COVID-19. Trong khi đó, 59,2% dân số trên thế giới đã nhận ít nhất một liều vaccine, nhưng tỷ lệ này ở những quốc gia có thu nhập thấp chỉ là 8,9%.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 12-1 cho rằng biến thể Omicron ít gây bệnh nặng hơn Delta nhưng vẫn là virus nguy hiểm, đặc biệt đối với những người chưa tiêm vaccine.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)