11/08/2017 - 20:19

Châu Á-Thái Bình Dương chạy đua xây hệ thống dự phòng GPS 

Các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang nỗ lực làm cho hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ trở nên mạnh mẽ và linh hoạt hơn đối với hải quân của họ.

Hai tàu Hàn Quốc được trang bị hệ thống định vị eLORAN. Ảnh: Israel Defense 

Theo tạp chí The Diplomat, GPS hiện phổ biến giống như điện thoại di động, có thể chỉ đường cho các tài xế, người đi bộ trên khắp thế giới, tàu thuyền trên biển và máy bay trong không trung. Nếu GPS bị lỗi hoặc bị tấn công, trong khi các bác tài có bản đồ đường bộ và biển báo đường phố hỗ trợ, các tàu thuyền khó có thể ra khơi. Trước các cuộc tấn công giả định của Triều Tiên nhằm vào GPS hồi năm ngoái buộc hàng trăm tàu đánh cá phải cập cảng trở lại, hãng tin Reuters gần đây cho biết Hàn Quốc đang ráo riết thiết lập một chuỗi các hệ thống định vị mặt đất (LORAN) thế hệ tiếp theo gọi là eLORAN, vốn được xây dựng dựa trên một công nghệ có từ thời Thế chiến thứ II dùng để chỉ đường tàu thuyền và máy bay trong nhiều thập kỷ. Đến những năm 1990 khi tính chính xác và tính sẵn sàng của GPS thống trị, hầu hết các quốc gia trên thế giới cho LORAN “về hưu”. Đây được xem như là hệ thống dự phòng cho GPS. Với phạm vi hoạt động chỉ vài trăm dặm, chuỗi eLORAN của Hàn Quốc sẽ chỉ phát huy tác dụng ở khu vực Đông Bắc Á.

Trong khi đó, Hải quân Mỹ nhiều năm qua cũng đã nỗ lực làm cho GPS trở nên mạnh mẽ và linh hoạt hơn. Song, hầu hết các bản sửa lỗi của Washington đều nhằm mục đích ngăn ngừa gây nhiễu hệ thống hoặc truyền đi tín hiệu giả mạo và khắc phục sự cố gián đoạn tạm thời. Nghĩa là các giải pháp này chỉ có thể chống lại các cuộc tấn công điện tử nhằm vào các cơ sở hạ tầng và vệ tinh GPS. Tuy nhiên, một kẻ thù tiềm năng của Mỹ đang ra sức cải thiện khả năng phá hủy cơ sở hạ tầng GPS. Vào các năm 2007, 2013, 2015 và gần đây là hồi tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã phóng thử các tên lửa chống vệ tinh. Giới chuyên gia giả định, nếu các vệ tinh GPS bị phá hủy sớm trong một cuộc xung đột với Trung Quốc, nó sẽ xóa đi không chỉ một số lợi thế quân sự quan trọng mà còn làm tê liệt khả năng thực hiện nhiều hoạt động cơ bản trên biển của Hải quân Mỹ.

Trước mối nguy trên, nhiều báo cáo cho biết, Học viện Hải quân Mỹ đang giảng dạy cho các sĩ quan tương lai cách định vị thiên văn, xác định vị trí trên Trái đất bằng cách đo vị trí tương đối của các vật thể thiên văn như các hành tinh và vì sao, trong trường hợp GPS bị lỗi hoặc bị tấn công. Song, những gì họ được giảng dạy là không đủ để áp dụng cho các hoạt động tàu chiến thực tế trên biển. Do đó, nhiều nỗ lực khác đang được đưa ra nhằm phát triển các hệ thống định vị quán tính tiên tiến. Trong khi đó, Hải quân Mỹ cũng đang tìm cách phát triển các hệ thống định vị thiên văn tự động không dựa vào sự quan sát của con người.

   Giới chuyên gia cho rằng các công nghệ trên cuối cùng có thể mang lại hệ thống dự phòng GPS thực sự, có thể cung cấp thông tin vị trí cho các tàu hải quân. Song, chúng được cho không thể thay thế được một khả năng quan trọng của GPS, đó là xác định thời gian khi mà GPS hoạt động bằng cách truyền tín hiệu thời gian từ các chòm sao vệ tinh mà hệ thống máy thu sau đó so sánh để tìm ra vị trí.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
GPS