28/03/2018 - 10:51

Chất béo thực vật giúp kéo dài tuổi thọ 

Nghiên cứu mới đây của Đại học Harvard (Mỹ) phát hiện, chất béo có nguồn gốc từ thực vật như trong bơ và dầu ô-liu có thể giúp làm giảm nguy cơ chết sớm 24-26%.

 

Các chuyên gia sử dụng 2 nguồn dữ liệu, một được thu thập từ 63.412 phụ nữ (giai đoạn 1990-2012) và một từ 29.966 nam giới (giai đoạn 1990-2010) mà trong đó chứa các thông tin chi tiết về chế độ ăn uống của những người tham gia, được thu thập cứ 4 năm/lần. Các chuyên gia đã so sánh hàm lượng dinh dưỡng giữa chất béo không bão hòa đơn có nguồn gốc từ thực vật vốn có trong bơ, các loại hạt, bơ đậu phộng, dầu ô-liu, dầu mè và chất béo không bão hòa đơn có nguồn gốc từ động vật được tìm thấy trong thịt đỏ, cá, trứng và sữa.

Kết quả cho thấy, chế độ ăn uống giàu chất béo không bão hòa đơn có nguồn gốc từ thực vật làm giảm nguy cơ chết sớm tới 16% so với chế độ ăn uống có hàm lượng thấp loại dưỡng chất này. Ngoài ra, nếu thay thế 2-5% calorie bằng chất béo thực vật thì tỷ lệ sống sót tăng thêm 10-15%.

 Vì sao không nên loại bỏ hoàn toàn chất béo?

Chúng ta luôn nói phải tránh xa chất béo, nhưng sẽ là một sai lầm lớn nếu hoàn toàn loại bỏ thành phần này ra khỏi chế độ ăn, kể cả khi bạn đang cố giảm cân. Lý do là chất béo đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, hoạt động như một nguồn dự trữ năng lượng, bảo vệ các cơ quan cũng như giúp cơ thể hấp thụ và xử lý các chất dinh dưỡng.

Chất béo chiếm từ 25% đến 30% tổng lượng năng lượng tiêu thụ, nên nếu muốn giảm cân, bạn chọn chất béo từ các nguồn không bão hòa từ các loại hạt, trái bơ và dầu ô liu. Ngoài cải thiện sức khỏe tim bằng cách loại bỏ cholesterol “xấu” LDL khỏi động mạch, những thực phẩm lành mạnh này còn giúp đốt cháy mỡ thừa mà không cần cắt giảm calorie. Mặt khác, chúng còn giúp bạn mau no và no lâu, do đó tránh ăn quá nhiều và hạn chế cơn thèm ăn vặt. Theo các nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Nội tiết và Dinh dưỡng Tây Ban Nha, khi tiêu thụ chất béo, trong ruột tiết ra hoóc-môn cholecystokinin và peptite YY cùng mang lại tác dụng giảm thèm ăn, bớt đói và dễ no.

Tiêu thụ chất béo tốt còn giúp tăng cường trao đổi chất. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington-St. Louis (Mỹ) phát hiện rằng lượng chất béo “cũ” – tức là mỡ tích tụ lâu ngày trong các mô xung quanh bụng, bắp đùi và mông  – không thể bị “đốt cháy” nếu không tiêu thụ chất béo “mới”. Bởi khi tiêu thụ, chất béo “mới” sẽ giúp phân hủy chất béo “cũ” bằng cách kích hoạt PPAR-alpha (prôtêin thúc đẩy quá trình trao đổi chất) và những cơ chế phân hủy chất béo qua gan.

Một lý do khác mà chúng ta không thể loại bỏ chất béo là vì cơ thể rất cần hấp thu các vitamin A, D, E và K – chỉ hòa tan trong chất béo. Nói cách khác là nếu không có chất béo, cơ thể không thể hấp thu các dưỡng chất thiết yếu nêu trên, từ đó có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như da khô, mù lòa, xương giòn và đau cơ.

Nhưng trên tất cả, chất béo lành mạnh tốt cho sức khỏe và có thể giúp giảm cân nhưng chỉ khi chúng ta tiêu thụ vừa phải. Trái lại, tiêu thụ nhiều chất béo (dù là loại tốt) cũng làm dư thừa calorie, dẫn đến tăng cân và béo phì.

HOÀNG ĐIỂU-  HOÀNG NAM  (Theo TNP, Daily Mail)

Chia sẻ bài viết