|
Bầu không khí tang thương tại Karachi trong những ngày đầu năm 2010. Ảnh: AFP |
Viện Nghiên cứu Hòa bình Pakistan (PIPS) ngày 12-1 đã công bố bản báo cáo thống kê số người thương vong trong hoạt động khủng bố và chống khủng bố ở nước này năm 2009. Cụ thể, tổng số người thương vong trong các vụ bạo lực có liên quan tới phiến quân hồi năm ngoái là 25.447 người, cao hơn nhiều so với con số 8.812 người ở Afghanistan. Trong số những trường hợp thương vong kể trên có 10.357 người là nạn nhân của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Theo báo cáo, các cuộc tấn công khủng bố của lực lượng Hồi giáo cực đoan năm 2009 tăng 45% so với năm trước với tổng cộng 2.586 vụ, trong đó có 87 trường hợp đánh bom liều chết. Theo ông Abdul Basit, nhà nghiên cứu của PIPS, đáng quan ngại là chiến lược tấn công khủng bố đã chuyển sang các “mục tiêu mềm”, tức là mục tiêu dân sự (trường học, nhà thờ, trung tâm thương mại, khách sạn), thay vì chỉ nhắm vào ở các “mục tiêu cứng” như cảnh sát và quân đội trước đây.
Về phần mình, chiến dịch quân sự quy mô lớn đầu tiên chống lực lượng nổi dậy hồi năm ngoái của Chính phủ Pakistan kể từ khi nước này hợp tác chống khủng bố với Mỹ sau sự kiện ngày 11-9-2001 đã tiêu diệt được 7.945 tên. Điều khiến Islamabad mạnh dạn phát động chiến dịch quân sự chống lực lượng cực đoan tại nhiều tỉnh biên giới giáp Afghanistan là nhờ sự ủng hộ của công luận sau khi Taliban đánh chiếm Thung lũng Swat (khu vực Tây Bắc của Pakistan). Còn phía Mỹ, máy bay không người lái của Cục Tình báo Trung ương (CIA) đã tiến hành ít nhất 51 vụ không kích vào các địa bàn tình nghi của lực lượng cực đoan và làm chết 667 người, bị thương 310 người.
Theo các nhà phân tích, Islamabad và Washington sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố tại Pakistan. Islamabad coi đây là vấn đề an ninh chính trị sống còn. Mỹ thì xác định Pakistan là một phần trong chiến lược bình ổn Afghanistan. Nếu không đập tan chủ nghĩa khủng bố, Taliban có thể sẽ lên nắm quyền tại Pakistan, hoặc nước này sẽ trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đầu tiên trên thế giới bị sụp đổ và rơi vào tình trạng vô chính phủ. Tuy nhiên, càng sử dụng sức mạnh quân sự càng có nguy cơ làm cho tình hình bất ổn an ninh thêm nan giải. Theo hãng tin Anh Reuters, các tổ chức cực đoan tại Pakistan hiện nay đang đẩy mạnh truyền bá tư tưởng của mình trong dân chúng nhờ kiểm soát các hoạt động giáo dục và chăm sóc y tế cho cộng đồng. Mặt khác, các đảng chính trị Hồi giáo đang lên tại Pakistan luôn phản đối hành động quân sự, đồng thời yêu cầu Islamabad không hợp tác với Washington trong cuộc chiến chống khủng bố. Nếu chính quyền không đáp ứng yêu cầu này, họ sẽ nổi dậy thúc đẩy một xã hội theo xu hướng chống Mỹ và áp dụng luật Hồi giáo hà khắc.
Một thách thức an ninh khác mà giới cầm quyền Pakistan cũng hết sức quan ngại là sự chia rẽ và tranh giành quyền lực giữa các đảng phái chính trị. Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) cầm quyền ngoài việc đối phó với “đối thủ truyền kiếp” là Liên đoàn Hồi giáo Pakistan của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, còn phải lo sự nổi loạn ngay trong các đối tác của mình. Chẳng hạn, tại Karachi, thành phố lớn nhất Pakistan thuộc tỉnh Sindh, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 50 người chết trong các vụ bạo lực chính trị, mà nguyên nhân là do quan hệ căng thẳng giữa PPP và Phong trào Muttahida Quami (MQM), đảng Hồi giáo đại diện cho người nhập cư từ Ấn Độ. MQM là một trong những đối tác trong liên minh cầm quyền của PPP, nhưng cũng là đối thủ lớn nhất của PPP trong các cuộc bầu cử tại tỉnh Sindh.
PHÚC GIA AN (Theo AFP, AP, Reuters)