08/03/2011 - 22:23

Căng thẳng leo thang tại Bờ Biển Ngà

Laurent Gbagbo vừa thông báo sẽ quốc hữu hóa ngành ca cao - cà phê ở Bờ Biển Ngà, khiến cho cuộc xung đột với đối thủ Alassane Ouattara, người được quốc tế công nhận thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống cuối tháng 11 năm ngoái ở nước này, càng trở nên căng thẳng.

Ông Gbagbo, nhà lãnh đạo bị quốc tế coi là thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống nhưng từ chối chuyển giao quyền lực, tuyên bố sẽ kiểm soát việc mua bán trong nước và xuất khẩu ca cao, cà phê. Được đọc trên đài phát thanh truyền hình quốc gia Bờ Biển Ngà hôm 7-3, lệnh mới nêu rõ “nhà nước thực hiện độc quyền” việc mua bán và xuất khẩu ca cao - cà phê, thay thế các nhà kinh doanh như Cargill và Archer Daniels Midland của Mỹ, Barry Callebaut ở Thụy Sĩ, Olam của Singapore...

Ông Alassane Ouattara được quốc tế công nhận thắng cử nhưng chưa thể nắm quyền Bờ Biển Ngà. Ảnh: AFP 

Động thái trên của ông Gbagbo diễn ra sau khi ông Ouattara hôm 22-2 gia hạn lệnh cấm xuất khẩu ca cao thêm một tháng nữa, kéo dài tới giữa tháng 3 này. Kể từ tháng Giêng năm nay, nguồn cung ca cao từ Bờ Biển Ngà, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới - chiếm khoảng 40% nguồn cung toàn cầu, đã bị gián đoạn sau khi ông Ouattara trong nỗ lực ngăn chặn nguồn tài chính của ông Gbagbo, đã ban hành lệnh cấm vận chuyển trong một tháng. Đặt dưới sự bảo vệ của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, ông Ouattara (hiện ở khách sạn Abidjan tại thành phố Abidjan) đã chỉ đạo thành lập một chính quyền song song với ông Gbagbo (thực tế có ít quyền lực). Suốt thời gian cấm xuất khẩu ca cao, nhiều nhà kinh doanh đã tích trữ khoảng 400.000 tấn hạt ca cao, trị giá 1,45 tỉ USD theo giá hiện nay. Vì vậy, theo lệnh mới của ông Gbagbo, số lượng ca cao này có thể bị sung công.

Hạt nguyên liệu chế biến sô-cô-la bị áp thuế rất cao ở Bờ Biển Ngà và là nguồn thu chính của chính quyền Gbagbo. Theo các nhà ngoại giao phương Tây, ông Gbagbo cần khoảng 150 triệu USD mỗi tháng để chi trả cho công chức và quân đội. Erica Rannestad, nhà phân tích hàng hóa của tập đoàn CPM ở New York (Mỹ), nhận định: “Gbagbo sẽ không từ bỏ quyền lực miễn là ông ấy có thể chi tiền cho quân đội. Thật khó cho ông Ouattara có thể lên nắm quyền”.

Thông báo mới của ông Gbagbo không chỉ tạo thêm rối rắm khi các công ty không biết nên tuân theo lệnh của nhà lãnh đạo nào, mà còn đe dọa đẩy giá ca cao trên thị trường thế giới lên mức cao kỷ lục mới. Ngày 7-3, giá ca cao giao tháng 5 tại New York tăng 5 USD lên mức 3.662 USD/tấn. Hôm 4-3, giá ca cao đạt 3.775 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 1-1979.

Trong khi đó, lực lượng nổi dậy ủng hộ ông Ouattara ngày 7-3 cho biết họ đã đánh bật lực lượng trung thành với ông Gbagbo để nắm quyền kiểm soát thị trấn Touleupleu ở phía Tây giáp với Liberia. Đây là thị trấn thứ ba ở phía Tây đất nước lọt vào tay phe ủng hộ ông Ouattara trong 2 tuần qua. Ít nhất 3 người chết và 30 người khác bị thương trong vụ tấn công này, theo Bộ Nội vụ Bờ Biển Ngà.

Thống kê của LHQ cho biết ít nhất 365 người đã chết kể từ khi xảy ra tranh cãi về kết quả bầu cử tổng thống ở Bờ Biển Ngà năm ngoái. Và chỉ trong tuần qua, hơn 200.000 người đã rời bỏ thành phố Abidjan đi lánh nạn, khoảng 70.000 người đã vượt biên giới qua Liberia. Giới quan sát cho rằng nguy cơ xảy ra cuộc nội chiến thứ hai (lần thứ nhất vào năm 2002) do bạo lực lan rộng ở Bờ Biển Ngà “dường như khó tránh khỏi trong vài tháng tới”.

N. KIỆT (Theo WSJ, Guardian, AFP)

Chia sẻ bài viết