03/08/2014 - 20:53

Cân nhắc thiệt hơn

Một nghiên cứu thực hiện theo đơn đặt hàng của Thị trưởng Luân Đôn Boris Johnson, được công bố ngày 3-8, khẳng định nếu Liên minh châu Âu (EU) không chịu thay đổi thì việc Anh rời khỏi khối này sẽ có lợi hơn. Thủ tướng Anh David Cameron từng tuyên bố nếu đảng Bảo thủ tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5-2015, ông sẽ tái thương lượng với Brussels về qui chế riêng cho Anh trước khi tổ chức trưng cầu dân ý xem sẽ ở lại hay rời khỏi EU vào cuối năm 2017.

Theo nghiên cứu này, viễn cảnh kinh tế tốt nhất cho xứ sương mù trong 20 năm tới là tiếp tục ở trong một EU cải tổ mạnh mẽ. Trong trường hợp EU không thay đổi thì việc rời bỏ liên minh 28 quốc gia thành viên và theo đuổi chiến lược thương mại hướng ngoại của riêng mình là giải pháp hay nhất. Tác giả nghiên cứu, chuyên gia kinh tế lừng danh Gerard Lyons, còn cho rằng để buộc EU thực hiện những cải cách lớn, Anh cần tỏ ra nghiêm túc với kế hoạch rời khỏi khối, nói cách khác là phải “làm mình làm mẩy”.

Riêng với Luân Đôn, có GDP 350 tỉ bảng (chiếm 1/5 kinh tế Anh), thì chuyện đi hay ở có ảnh hưởng vô cùng lớn. Nếu ở lại trong một EU canh tân, GDP của thành phố sẽ đạt 640 tỉ bảng vào năm 2034, nhưng con số đó chỉ là 495 tỉ bảng trong trường hợp EU vẫn như hiện nay. Còn nếu Anh rời khỏi khối và thực hiện những chính sách thương mại cởi mở thì GDP của Luân Đôn sẽ đạt 614 tỉ bảng.

Giữa lúc ở Luân Đôn có không ít những lời dọa dẫm rút khỏi EU thì Scotland đang xúc tiến kế hoạch trưng cầu dân ý vào tháng 9 tới về việc tách khỏi Anh. Nếu như nghiên cứu do thị trưởng Luân Đôn khởi xướng khẳng định Anh không tổn thất nhiều, thậm chí có lợi khi rời EU thì một phân tích khác cảnh báo Scotland sẽ thiệt hại nặng nề nếu “ly khai”.

Đầu tuần rồi, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling và hiện là người đứng đầu chiến dịch lôi kéo Scotland ở lại tuyên bố kinh tế Scotland sẽ mất 8 tỉ bảng mỗi năm cùng 247.000 việc làm bị ảnh hưởng. Để minh chứng, ông Darling nhắc “chuyện xưa tích cũ” là thương mại giữa Cộng hòa Séc và Slovakia đã sụt giảm sau khi tách ra từ Tiệp Khắc, và cho rằng đây là tình trạng chung sau ly tán. Theo ông, việc tiếp cận thị trường 63 triệu người tiêu dùng của Anh chẳng phải tốt hơn thị trường chỉ 5 triệu người của Scotland hay sao?

Nhưng hình như khi hô hào rời khỏi EU, vì lý do nào đó mà người ta không đề cập việc thị trường chung của khối có tới trên 500 triệu người tiêu dùng, gấp hơn 8 lần thị trường Anh.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết