* SONG KIM
Bài 2: Y tế tuyến quận, huyện vẫn còn nhiều bất cập
Hiện nay, thiếu hụt nhân sự, yếu kém về cơ sở vật chất, trang thiết bị là những vấn đề nan giải của nhiều bệnh viện quận, huyện. Điều đó đã kiềm hãm sự phát triển của các cơ sở y tế tuyến này trong nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Nhiều bệnh viện quận, huyện lúng túng trước bài toán nâng cao chất lượng khám chữa bệnh...
“Điệp khúc” thiếu toàn diện
Hiện nay, trong 9 quận huyện của TP Cần Thơ vẫn còn 3 đơn vị chưa có bệnh viện hoặc chưa có đất xây dựng bệnh viện: Bình Thủy, Cờ Đỏ, Ninh Kiều. Bệnh viện 30-4 trước đây thuộc quận Ninh Kiều đã được nâng cấp thành Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ và đến nay vẫn chưa có kế hoạch xây lại bệnh viện mới. Ngoài Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn đã xây dựng hoàn chỉnh, Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt sắp đưa vào sử dụng, các bệnh viện quận, huyện còn lại đều đang hoạt động trong những cơ sở chật hẹp, xuống cấp và gặp vô vàn khó khăn về cơ sở vật chất và con người.
 |
Trung tâm Y tế huyện Cờ đỏ được thành lập sau chia tách phải “mượn” cơ sở của phòng khám Đa khoa khu vực Cờ Đỏ trước đây để hoạt động, nên gặp khó khăn về cơ sở vật chất, giao thông không thuận lợi. Trung tâm phải tận dụng chiếc xe này để làm xe “trung chuyển” bệnh nhân từ trung tâm đến tỉnh lộ 931. Ảnh: K. LOAN |
Vừa bước vào Trung tâm Y tế huyện Cờ Đỏ, chúng tôi đã thấy ngay chiếc xe 3 bánh- loại xe Trung Quốc thường được dùng thay thế xe ba gác, xe lôi để vận chuyển hàng hóa- biển số xanh, có dấu chữ thập đỏ. Bác sĩ Đinh Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cờ Đỏ, giải thích: “Đó là chiếc xe “trung chuyển” bệnh nhân của đơn vị. Đoạn đường từ trung tâm ra đến tỉnh lộ 931 quá hẹp, xe cứu thương không vào được nên chúng tôi mua chiếc xe này về, “chế” thêm chút đỉnh để chuyển bệnh nhân từ trung tâm ra tỉnh lộ rồi mới đưa lên xe cấp cứu. Như vậy cũng còn đỡ, vì trước đây, chúng tôi phải chuyển bệnh nhân bằng xuồng, ghe hay khiêng băng ca chạy bộ!”. Chỉ một chuyện nhỏ về việc chuyển bệnh lên tuyến trên cũng đủ cho thấy những khó khăn khôn lường của một đơn vị y tế tuyến huyện, xa nội ô, vừa mới thành lập như huyện Cờ Đỏ. Sau nhiều tháng ra đời, hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Cờ Đỏ vẫn đang trong giai đoạn cải tạo sửa chữa, xây thêm phòng ốc để có chỗ cho các khoa, phòng, bộ phận hoạt động. Tuy nhiên, dù có nỗ lực chắp vá nhưng những yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật của khối điều trị vẫn chưa thể đáp ứng được. Trung tâm vẫn chưa có phòng mổ, thiếu thốn nhiều máy móc phục vụ cho hoạt động xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng.
Được thành lập từ nhiều năm qua lại là đơn vị tách biệt với khối dự phòng nhưng Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng vẫn có chung cái khó với khối điều trị thuộc Trung tâm Y tế huyện Cờ Đỏ. Bệnh viện phải “mượn” tạm cơ sở của Trạm Y tế phường Lê Bình để hoạt động. Cơ sở này khá chật chội nên phải thường xuyên đối mặt với tình trạng quá tải bệnh nhân và ngột ngạt nóng bức. Bệnh viện có 4 phòng lưu bệnh với 30 giường bệnh nhưng lượng bệnh nhân luôn dao động từ 20 đến 35 bệnh, lúc cao điểm lên đến 40 bệnh. Tại khu khám bệnh chỉ có 3 phòng khám nhưng phải phục vụ từ 300 đến 380 bệnh nhân/ ngày. Dù đã có chủ trương xây dựng, xác định vị trí đất từ nhiều năm qua nhưng đến tháng 12-2009, công trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng mới được khởi công. Dự kiến tháng 2-2011 công trình này mới hoàn tất, đưa vào sử dụng. Nhưng đó cũng chỉ là dự kiến...
Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, sự thiếu hụt nhân sự ở tuyến y tế quận, huyện càng nghiêm trọng hơn. Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh sớm nhất và hiện có 185 cán bộ nhân viên. Trong đó, có 2 bác sĩ chuyên khoa II, 12 bác sĩ chuyên khoa I, 21 bác sĩ, 2 dược sĩ đại học, trên đại học... Theo bác sĩ Mai Thọ Truyền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn, đội ngũ làm công tác chuyên môn của bệnh viện như vậy tương đối đủ về số lượng, đạt về chất lượng. Tuy nhiên, với công suất giường bệnh được đầu tư, chỉ tiêu biên chế như thế đôi lúc vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu của lượng bệnh đang ngày càng gia tăng. Bác sĩ Mai Thọ Truyền cho biết: “Trước đây, tình trạng quá tải chỉ xảy ra cục bộ, đội ngũ y, bác sĩ vẫn đảm bảo phục vụ tốt cho bệnh nhân. Nhưng, hiện nay, lượng bệnh nhân ngày càng đông, tình trạng quá tải xảy ra thường xuyên hơn. Lực lượng y, bác sĩ không đủ để phục vụ nên phải làm việc luôn cả ngày nghỉ, ngày lễ”.
Bệnh viện Đa khoa huyện Thới Lai có chỉ tiêu biên chế là 62 nhưng hiện nay đơn vị chỉ có 55 người, trong đó, chỉ có 39 biên chế. Trung tâm Y tế huyện Cờ Đỏ được giao 50 biên chế, trong đó, khối điều trị có chỉ tiêu 28 biên chế nhưng hiện toàn trung tâm chỉ có 22 biên chế. Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng được giao biên chế là 39 nhưng hiện chỉ có 30 biên chế. Trong đó, chỉ có 9 bác sĩ nhưng có đến 4 bác sĩ đang theo học sau đại học. Bệnh viện chỉ còn 5 bác sĩ, mỗi ngày phục vụ 300- 380 bệnh nhân ngoại trú, từ 20- 40 bệnh nội trú. Bác sĩ Nguyễn Thanh Trị, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng, lo lắng: “Thiếu hụt nhân sự, anh em làm việc rất vất vả và chịu áp lực rất lớn. Lực lượng bác sĩ chưa đủ để phục vụ nhu cầu khám, điều trị trong thời điểm hiện tại làm sao tính đến chiến lược phát triển lâu dài, nhất là khi bệnh viện được xây mới với qui mô 100 giường, tối thiểu cần phải có từ 110 đến 120 biên chế”.
Với những khó khăn trên, con đường nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở y tế tuyến quận, huyện vẫn còn là một hành trình khá dài.
Nâng cao kỹ thuật điều trị: hành trình dài...
Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ chỉ có Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn có đội ngũ nhân lực và cơ sở vật chất trang thiết bị để thực hiện được các kỹ thuật điều trị của một bệnh viện hạng III. Bệnh viện này đang được đầu tư thêm để nâng lên thành bệnh viện hạng II. Còn lại, tất cả các bệnh viện tuyến quận, huyện đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất chỉ nhận điều trị những bệnh thông thường, sơ cấp cứu ban đầu, giải quyết triệu chứng một số bệnh nội khoa, nhận những ca sinh tiên lượng bình thường... Phần lớn các bệnh có chút “rắc rối” như: gãy xương, viêm ruột thừa, sanh mổ, sanh khó,... đều phải chuyển viện lên tuyến thành phố. Bác sĩ Đinh Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Y, bác sĩ của trung tâm có đủ năng lực để thực hiện nhiều kỹ thuật điều trị nhưng khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu thốn về trang thiết bị không cho phép chúng tôi triển khai điều trị cho bệnh nhân. Trước mắt, đơn vị chỉ thực hiện khám chữa bệnh thông thường không hơn gì chức năng của một phòng khám đa khoa khu vực. Trung tâm có 6 bác sĩ chuyên khoa I, trong đó có bác sĩ có khả năng thực hiện các ca trung phẫu thuật viêm ruột thừa, mổ bắt con, hay đã được học tập để thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh... nhưng vì không có trang thiết bị, phòng mổ nên đành chuyển bệnh lên bệnh viện tuyến trên”.
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định bổ sung các dự án xây dựng bệnh viện tuyến huyện vào danh mục các dự án được sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ. Như vậy, vấn đề nan giải nhất là kinh phí xây dựng đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, hiện nay, tiến độ xây dựng nhiều bệnh viện huyện trên địa bàn TP Cần Thơ rất chậm do lệ thuộc vào nhiều vấn đề như: cơ chế, thủ tục hành chính xây dựng, năng lực nhà thầu... Ngoài ra, việc mua sắm, sử dụng được trang thiết bị, đặc biệt năng lực thực hiện các kỹ thuật cao tương xứng với trang thiết bị hiện đại cũng là vấn đề đáng lo. Theo phân tích của các cán bộ quản lý ngành y tế, để đầu tư xây dựng, trang bị thiết bị hoàn chỉnh cho một bệnh viện tuyến huyện, có thể mất từ 2 đến 4 năm. Nhưng, để đào tạo được con người có năng lực thực hiện các kỹ thuật cao, tương xứng với máy móc hiện đại thì mất từ 6 đến 8 năm.
Những vấn đề đặt ra cho thấy hành trình nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện quận, huyện vẫn còn rất dài và khá gian nan. Bác sĩ Nguyễn Thanh Trị, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng, chia sẻ: “Dù nhân lực hiện tại thật sự chưa đủ để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh nhưng bệnh viện vẫn cử bác sĩ để đào tạo cho kế hoạch lâu dài. Đội ngũ còn lại tất nhiên gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy, đơn vị phải luôn động viên, giải thích để cán bộ nhân viên hiểu rõ vấn đề chung. Đồng thời, trong khả năng của mình, bệnh viện cũng đề ra những giải pháp thu hút nhân lực, như: luôn tạo điều kiện để y bác sĩ được học tập nâng cao trình độ, tay nghề; xây nhà tập thể cho người ở xa nghỉ lại...”.
Ghi nhận thực tế cho thấy, ngành y tế, chính quyền địa phương vẫn chưa có chính sách đủ lực để thu hút nhân lực cho bệnh viện tuyến quận, huyện. Những vấn đề cụ thể liên quan mật thiết đến đời sống, sinh hoạt, học tập của người lao động vẫn chưa được đáp ứng thỏa đáng. Phần lớn các bệnh viện quận, huyện chỉ trông chờ vào cách cử người tại chỗ học tập nâng cao trình độ, đào tạo theo địa chỉ. Nếu làm phép tính so sánh giữa đầu tư kinh phí đào tạo 1 bác sĩ đa khoa trong 6 năm hay đào tạo bác sĩ chuyên khoa trong 8 đến 10 năm với việc đầu tư thu hút người có trình độ, năng lực bằng cách cấp cho họ phương tiện đi lại hay trợ cấp một khoản kinh phí hỗ trợ chỗ ở... thì có thể thấy ngay cách nào có lợi hơn. Vấn đề không chỉ nằm ở cơ chế chính sách chung của thành phố mà còn liên quan đến những chế độ ưu đãi, cách sử dụng người của ngành y tế nói chung và cả những đơn vị trực tiếp quản lý nói riêng.
(Còn tiếp)
Bài 3: Các bệnh viện tuyến đầu chưa với tới tầm kỹ thuật cao