08/09/2022 - 09:23

Cách Nhật Bản kéo giảm tai nạn giao thông 

Cho đến đầu thập niên 1970, Nhật vẫn ghi nhận tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ cao. Nhưng hiện nay nước này có mức độ an toàn giao thông thuộc nhóm tốt nhất thế giới.

Phần lớn đường phố ở Nhật Bản khá hẹp, nên các tài xế thường phải giảm tốc độ. Ảnh: AFP

Phần lớn đường phố ở Nhật Bản khá hẹp, nên các tài xế thường phải giảm tốc độ. Ảnh: AFP

Trong năm 2021, Nhật có chưa tới 3.000 người chết do tai nạn giao thông, thấp hơn nhiều so với gần 43.000 người tại Mỹ. Tính bình quân đầu người, đất nước Mặt trời mọc chỉ có 2,24 ca tử vong/100.000 dân, so với tỷ lệ 12,7/100.000 của Mỹ. Năm ngoái, số người chết do tai nạn giao thông ở Nhật thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập năm 1948. Đây là điều rất khác so với thập niên 1960, thời điểm kinh tế bùng nổ và hàng triệu tài xế thiếu kinh nghiệm đã khiến số người chết hàng năm cao gấp 6 lần hiện nay. Đường sá lúc đó nguy hiểm đến mức giới quan sát gọi hiện tượng này là “Chiến tranh giao thông”.

Vậy điều gì giúp Nhật trở thành câu chuyện thành công về mức độ an toàn giao thông?

Phát triển đường sắt

Kể từ khi khai trương xe lửa cao tốc đầu tiên của thế giới, Shinkansen, vào năm 1964, Nhật Bản nổi tiếng về tần suất, độ tin cậy và tốc độ của dịch vụ đường sắt. Các xe lửa cao tốc nối các thành phố lớn hoạt động nhanh và thường xuyên đến mức việc lái xe hơi thường không có ý nghĩa. Hàng ngày, khoảng 32 xe lửa di chuyển tất bật giữa hai thành phố Osaka và Tokyo, trong đó nhiều chiếc hoàn thành hành trình dài hơn 530km chỉ trong 2 tiếng rưỡi. Hành trình này mất ít nhất 6 tiếng nếu sử dụng xe hơi. Bên cạnh tàu cao tốc Shinkansen, mạng lưới các tuyến đường sắt dày đặc cũng giúp kết nối các thành phố và thị trấn của Nhật.

Hệ thống trung chuyển tại các thành phố cũng ấn tượng không kém. Với 285 nhà ga, hệ thống Tokyo Metro đón tiếp lượng khách hàng ngày nhiều gấp đôi tàu điện ngầm của New York (Mỹ). Thậm chí những thành phố nhỏ hơn cũng mang đến dịch vụ xuất sắc. Ở Fukuoka, cứ vài phút lại có một chuyến tàu cao tốc nối nhà ga chính của thành phố với sân bay và hành trình này chỉ mất 6 phút.

Với số lượng tàu cao tốc nhiều như vậy, lái xe hơi ở Nhật Bản đã trở thành sự lựa chọn thay vì hoạt động cần thiết. Tính bình quân, dân Nhật sở hữu khoảng 61 xe/100 người, thấp hơn so với 84/100 ở Mỹ. Dịch vụ tàu cao tốc của Nhật cực kỳ an toàn, bằng chứng là hệ thống Shinkansen chưa từng xảy ra vụ tai nạn chết người.

Hạn chế đỗ xe trên đường

Tại Nhật, chủ sở hữu xe hơi phải có giấy chứng nhận đỗ xe, tức chứng minh họ có một chỗ tại căn hộ để cất giữ phương tiện qua đêm, thay vì đỗ tràn lan bên lề đường. Chính sách này đã gián tiếp nâng cao mức độ an toàn trên đường bởi nó khiến người dân tránh xa việc mua xe hơi, qua đó hạn chế số vụ tai nạn giao thông. Không đỗ xe trên đường còn giúp cải thiện tầm nhìn của các tài xế, người đi bộ và người đi xe đạp tại các giao lộ.

Khuyến khích sử dụng xe nhỏ

Đối với người lái xe, Nhật Bản đề xuất phương tiện phù hợp với cuộc sống đô thị. Đó là những chiếc “kei car”, loại ôtô chỉ nặng hơn 1 tấn và dài 330cm. Nhờ vậy, “kei car” có thể luồn lách trong các con đường nhỏ, đỗ vừa những bãi đỗ hẹp và đặc biệt là có giá rất thấp, vào khoảng 10.000-20.000USD (chưa tính những khoản hỗ trợ từ chính phủ). Hiện khoảng 1/3 số xe hơi bán ra tại Nhật là "kei car”.

Về khía cạnh an toàn, những chiếc “kei car” với trọng lượng nhẹ sẽ giảm thiểu lực tác động khi va chạm, trong khi phần đầu xe ngắn giúp giảm bớt những điểm mù cho người lái. Ngoài ra, dòng xe này bị hạn chế về tốc độ nên khả năng gây tai nạn chết người cũng thấp hơn so với những ôtô thông thường. Giới hạn về tốc độ - 40km/h trong thành thị và 30km/h ở khu vực đông dân cư - cũng là nguyên nhân giúp giao thông Nhật Bản an toàn hơn.

HẠNH NGUYÊN (Theo Bloomberg)

Chia sẻ bài viết