18/03/2023 - 18:40

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Các tập đoàn, tổng công ty phải góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ 

(TTXVN) - Sáng 18-3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban Quản lý vốn) và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước, góp phần thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Hội nghị nhằm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về tổng kết tình hình thực hiện Thông báo số 40-TB/TW ngày 14-9-2017 về Đề án “Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Sau gần 5 năm thành lập, Ủy ban Quản lý vốn đã thực hiện cơ bản đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 TĐ, TCT. Mô hình quản lý này mang lại một số thay đổi tích cực. Tính đến năm 2022, 19 TĐ, TCT đã đóng vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực quan trọng, cụ thể: đảm bảo khoảng 87% điện năng, 50% xăng dầu bán lẻ, 100% khí khô, 70% khí hóa lỏng, 70% phân bón, 45% thuê bao di động, 41% băng rộng cố định mặt đất, 49% vận tải hành khách hàng không nội địa, quản lý 21/22 cảng hàng không dân dụng trên cả nước, 16% hàng hóa vận tải biển, 100% điều hành và vận tải giao thông đường sắt. Năm 2022 tổng doanh thu đạt 1,598 triệu tỉ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 83.167 tỉ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 191.781 tỉ đồng. Một số TĐ, TCT đã thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, kết hợp sản xuất, kinh doanh với góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia...

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, phân tích sâu tình hình hoạt động của các TĐ, TCT nhà nước, những bài học quý, những hạn chế, vướng mắc, dự báo những khó khăn, thách thức và đề xuất giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các TĐ, TCT nhà nước, góp phần thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội…

Trong đó, các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận các TĐ, TCT chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực; chậm triển khai các dự án đầu tư; chậm xử lý phát sinh; chưa có các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghệ cao, công nghệ lõi, có tính chất lan tỏa hoặc dẫn dắt; năng lực quản trị và triển khai dự án còn yếu ở một số khâu; công tác phối hợp với các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ, sát sao; một số dự án đầu tư ra nước ngoài kém hiệu quả...

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc quản lý doanh nghiệp nhà nước trải qua một số mô hình theo từng thời kỳ, song vẫn chưa thể có mô hình tối ưu do kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, phát triển; còn những khó khăn nội tại; giải quyết những tồn đọng nhiều năm và nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển.

Trên cơ sở phân tích tình hình, thời cơ, thuận lợi, khó khăn, Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, Ủy ban Quản lý vốn và 19 TĐ, TCT phải góp phần đắc lực vào đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Trong đó, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng gồm: tiêu dùng trong nước, đầu tư và xuất khẩu.

Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn tiếp tục triển khai hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về quản lý, phát huy hiệu quả hoạt động của 19 TĐ, TCT; hoàn thiện mô hình quản lý, nhất là tách bạch nhiệm vụ quản lý nhà nước và kinh doanh tại các doanh nghiệp; bảo toàn, phát huy vốn, tài sản của các TĐ, TCT; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chương trình, kế hoạch đã được Chính phủ giao và xem xét, phê duyệt các chương trình, kế hoạch của các TĐ, TCT; chủ động xử lý những vấn đề, dự án tồn đọng.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, đôn đốc; tập trung tháo gỡ về mặt pháp lý; tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường; nâng cao quản trị doanh nghiệp; tăng cường chuyển đổi số; phối hợp với các cơ quan để sớm có ý kiến có chất lượng đối với đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm Đề án sớm được phê duyệt, không làm mất cơ hội đầu tư của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cả về trình độ chuyên môn trong lĩnh vực được phân công, có phẩm chất đạo đức, đáp ứng được tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Đối với các TĐ, TCT, Thủ tướng yêu cầu trước hết phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu về đẩy mạnh đầu tư; đẩy mạnh đầu tư cho đổi mới, sáng tạo, tập trung vào các ngành mới nổi, đầu tư các dự án lớn, trọng điểm của đất nước; tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình quản lý, thích ứng với điều kiện mới và tình hình đất nước; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển gắn với phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật của TĐ, TCT; thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; xây dựng văn hóa trong kinh doanh…

“Các TĐ, TCT phải hoạt động hiệu quả, góp phần đắc lực vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả” - Thủ tướng chỉ đạo.

Đối với các bộ, cơ quan, địa phương, Thủ tướng yêu cầu, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật, thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư, cơ cấu lại, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất... của doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ các “điểm nghẽn” là rào cản trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp hoặc chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết. Trong đó, nghiên cứu một số kiến nghị hợp lý có tính khả thi, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét.

Các bộ, cơ quan, địa phương, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực để gắn chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhà nước với phát triển ngành, lĩnh vực để phát huy nguồn lực quan trọng của đất nước; giám sát việc thực hiện quyền, chức năng nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu, tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Đối với kiến nghị cụ thể của các TĐ, TCT, Thủ tướng yêu cầu vấn đề thuộc lĩnh vực của bộ, ngành, địa phương nào thì yêu cầu ngành, địa phương đó nghiên cứu xử lý, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, không để chậm trễ.

Chia sẻ bài viết