Theo một báo cáo mới từ InfluenceMap, 5 công ty dầu khí đa quốc gia - bao gồm Shell và BP của Anh, ExxonMobil và Chevron của Mỹ, TotalEnergies của Pháp - đang chi hàng triệu đôla để thể hiện như đang hành động chống lại biến đổi khí hậu, nhưng các hoạt động đầu tư và vận động hành lang của họ dường như đi ngược lại các tuyên bố “sống xanh” với hành tinh.
Lợi nhuận của các công ty dầu khí thế giới liên tục tăng trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng. Ảnh: Kyma.com
Để đi đến kết luận trên, InfluenceMap (tổ chức chuyên đánh giá các mục tiêu và chính sách về khí hậu của các doanh nghiệp) đã phân tích 3.421 tài liệu truyền thông trước công chúng vào năm 2021 từ 5 công ty kể trên và phát hiện 60% số thông điệp của họ chứa ít nhất một tuyên bố “xanh”. Sau khi tính toán số tiền mà cả 5 công ty dự kiến chi cho các khoản đầu tư “xanh” vào năm ngoái, InfluenceMap nhận thấy trung bình chỉ có 12% số ngân sách chi tiêu của các công ty này được dùng đầu tư cho hoạt động về năng lượng tái tạo hoặc phát thải ít carbon. Trong một số trường hợp, những con số đó đang tăng lên. Như việc Shell dự định dành 12% chi phí vốn cho mảng năng lượng tái tạo trong năm 2022, tức tăng từ mức 10% vào năm 2021. Tuy nhiên, InfluenceMap nhận thấy sự chênh lệch giữa các thông điệp “xanh” và hoạt động đầu tư của các công ty dầu khí là rất đáng chú ý.
Giám đốc chương trình InfluenceMap, Faye Holder, cho biết trong khi phía doanh nghiệp dầu khí thể hiện như là người ủng hộ “sống xanh” trước công chúng, thì sau lưng họ lại tiếp tục đầu tư vào hệ thống năng lượng không bền vững - chủ yếu dành cho nhiên liệu hóa thạch. Dựa trên số lượng nhân viên truyền thông mà các công ty dầu khí tuyển dụng, tổ chức này ước tính 5 công ty đang chi khoảng 750 triệu USD mỗi năm tích lũy cho các hoạt động truyền thông liên quan đến chống biến đổi khí hậu. InfluenceMap cho biết con số này không bao gồm chi phí quảng cáo bên ngoài hoặc các cơ quan quan hệ công chúng, vì vậy số tiền thực sự có thể “cao hơn đáng kể”.
Theo báo cáo của InfluenceMap, trong nhiều loại tuyên bố “xanh” khác nhau mà các công ty dầu khí sử dụng trong năm 2021, loại phổ biến nhất là những thông điệp nêu bật sự ủng hộ đối với nỗ lực chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch và hướng tới năng lượng tái tạo. Còn loại phổ biến thứ hai tập trung vào việc hỗ trợ giảm khí phát thải. Một số tuyên bố “thân thiện với hành tinh” của các doanh nghiệp này mô tả khí đốt như một giải pháp khí hậu. Đáng nói là tuy khí tự nhiên thải ra ít khí CO2 hơn than đá, nhưng vẫn là nhiên liệu hóa thạch và chủ yếu được tạo ra từ mêtan - loại khí đóng vai trò lớn trong khủng hoảng khí hậu.
Trong 5 công ty được phân tích trong báo cáo của InfluenceMap, Shell có sự cách biệt lớn nhất giữa thông điệp ủng hộ chống biến đổi khí hậu và việc đầu tư vào các hoạt động phát thải ít carbon, tiếp theo là ExxonMobil. Cụ thể, Shell sử dụng các tuyên bố “xanh” trong 70% thông điệp của họ, trong khi chỉ đầu tư 10% chi tiêu vào hoạt động phát thải ít carbon. Trong khi đó, 65% thông điệp của Exxon là các tuyên bố “xanh” và mức chi tiêu cho các khoản đầu tư “xanh” là 8%.
Không chỉ vậy, InfluenceMap còn phát hiện bằng chứng cho thấy BP, Chevron, ExxonMobil, Shell đã tìm cách thu hút các nhà lập pháp trực tiếp vận động cho các chính sách khuyến khích phát triển dầu khí mới trong giai đoạn 2021-2022. Cả 4 công ty này đều là thành viên nhóm hiệp hội thương mại Viện Dầu Khí Mỹ (API), tổ chức đã bị các nhà khoa học và nhà hoạt động vì khí hậu chỉ trích vì hành vi phản đối các quy định chống biến đổi khí hậu.
Báo cáo của InfluenceMap được đưa ra trong bối cảnh các nhà khoa học ngày càng khẩn thiết cảnh báo thế giới phải cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch để ngăn chặn hậu quả thảm khốc của cuộc khủng hoảng khí hậu. Báo cáo cũng xuất hiện giữa lúc chi phí tiêu dùng năng lượng tăng cao ở châu Âu, còn các “ông lớn” dầu khí tiếp tục báo cáo số lợi nhuận ngày càng tăng cao. Như từ tháng 4 đến tháng 6-2022, Exxon đã kiếm được gần 17,9 tỉ USD, gần gấp 4 lần lợi nhuận mà họ kiếm được trong cùng kỳ năm 2021. Chevron ghi nhận lợi nhuận 11,6 tỉ USD, trong khi Shell kiếm được 11,5 tỉ USD. |
NGUYỆT CÁT (Theo CNN)