16/10/2022 - 08:17

Các nước châu Á chạy đua thu hút nhân tài 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Các biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19 nghiêm ngặt cùng với quy tắc nhập cư khắt khe của Trung Quốc đã khiến việc chiêu mộ nhân tài vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trở nên khó khăn. Song, ngay cả khi nước này loại bỏ các rào cản đối với người nước ngoài thì Bắc Kinh vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia châu Á khác.

Mẫu “thẻ vàng” của Đài Loan. Ảnh: Taiwan Daily

Cuộc đua của các “ông lớn” khu vực

 Trung Quốc đang phải chạy đua thu hút nhân tài nước ngoài với Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ðài Loan, vốn đều phải đối mặt với tình trạng lực lượng lao động ngày càng thu hẹp. Theo khảo sát của Tổ chức Di cư Quốc tế, để lấp đầy khoảng trống nhân tài, Bắc Kinh có kế hoạch thu hút người dân nước này đang học tập và làm việc ở nước ngoài.

Cuộc đua tìm kiếm nhân tài tại châu Á đang dần nóng lên khi tỷ lệ sinh trong khu vực giảm. Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong cho hay, giới trẻ tại khu vực trì hoãn việc kết hôn, chọn tập trung vào sự nghiệp và giải trí hơn là chăm sóc con cái. Theo dữ liệu mới nhất, ngày càng ít người dân Hong Kong kết hôn hay sinh con và xu hướng này trở nên trầm trọng hơn trong năm ngoái. Theo đó, chỉ 6,7% phụ nữ tại Hong Kong kết hôn và con số này ở nam giới là 8%, mức thấp kỷ lục sau gần 30 năm. Bên cạnh đó, số lượng trẻ sơ sinh ghi nhận trong năm ngoái cũng đạt mức thấp kỷ lục, chỉ 36.953 trẻ so với 60.856 trẻ hồi năm 2016. Trong bối cảnh đó, chương trình Tuyển sinh Di cư Chất lượng của Hong Kong đã tăng hạn ngạch thị thực lao động từ mức 2.000 lên con số 4.000 trong năm nay.

Các nền kinh tế phát triển khác của châu Á cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tỷ lệ sinh ở Nhật Bản bắt đầu giảm vào cuối những năm 1980 và giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm ngoái khi nước này chỉ ghi nhận 811.604 ca sinh mới, giảm hơn 29.000 trẻ so với năm trước đó.  Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong bài phát biểu hôm 17-9 thừa nhận rằng nước này đang “tụt hậu” so với các nước trong cạnh tranh về nguồn nhân lực, do đó cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Aiko Kikkawa, chuyên gia kinh tế  tại Ngân hàng Phát triển châu Á, cho biết để thu hút người lao động, Nhật Bản cần cung cấp thẻ thường trú cho các y tá nước ngoài nếu họ vượt qua các kỳ kiểm tra kỹ năng và người lao động sẵn sàng giữ chân họ.

Riêng Bộ Tư pháp Hàn Quốc hồi tháng 8 cho hay sẽ bắt đầu chương trình thị thực thực tập dành cho sinh viên đại học nước ngoài đủ điều kiện làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao. Giới chức trách Ðài Loan, Ủy ban Phát triển Quốc gia cho biết nền kinh tế hòn đảo này cần thêm 400.000 nhân viên nước ngoài trong thập niên tới. Do đó, để thu hút nhân tài, Ðài Bắc đang triển khai chương trình cấp “thẻ vàng”, loại visa 4 trong 1, gồm giấy phép lao động, thị thực visa cư trú, thẻ cư trú cho người nước ngoài và giấy phép tái nhập cảnh nhiều lần.

Tuy nhiên, theo Lancy Chui, Phó chủ tịch cấp cao công ty nhân sự ManpowerGroup Greater China tại Hong Kong, để thu hút người tài, các công ty nên đưa ra mức lương hấp dẫn, trợ cấp nhà ở cũng như hỗ trợ giáo dục trẻ em.

Đông Nam Á cũng không ngoại lệ

Tại Singapore, nơi tỷ lệ sinh giảm xuống chỉ còn 1,12 con/phụ nữ, chính quyền đảo quốc sư tử có kế hoạch cho phép vợ hoặc chồng của nhân viên nước ngoài làm việc tại nước này từ năm 2023. Mặt khác, Chính phủ Singapore còn công bố một loại thị thực mới được thiết kế để thu hút chuyên gia từ nước ngoài được gọi là Thẻ thông hành dành cho người nước ngoài có chuyên môn. Theo đó, loại thị thực này được cấp cho những người có thu nhập ít nhất 20.800USD/tháng. Những người có thị thực này sẽ được ở lại Singapore ít nhất 5 năm và làm việc tại nhiều
tổ chức.

Các nước Ðông Nam Á khác cũng tham gia vào cuộc đua thu hút nhân tài. Thái Lan bắt đầu nhận đơn xin thị thực mới vào ngày 1-9 cho phép các chuyên gia toàn cầu ở lại nước này trong 10 năm. Chính phủ xứ chùa vàng hy vọng sẽ thu hút 1 triệu công dân nước ngoài với thị thực Cư trú dài hạn, được thiết kế cho những người có kỹ năng trong các lĩnh vực hàng đầu như xe điện, công nghệ sinh học và quốc phòng. Malaysia cũng đang thu hút các nhà đầu tư thông qua Chương trình Thị thực Ðặc biệt. Bắt đầu nhận đơn đăng ký vào ngày 8-10, chương trình cho phép những người có thể đầu tư 1 triệu ringgit (tương đương 212.766USD) và có thu nhập mỗi năm từ nước ngoài khoảng 100.000 USD có thể ở lại Malaysia trong tối đa 20 năm. Trong thời gian đó, họ có thể đầu tư, điều hành doanh nghiệp và làm việc.

Chia sẻ bài viết