09/03/2020 - 12:59

BRI gặp khó nhìn từ Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan 

Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) đang gặp trở ngại khi các dự án với vốn đầu tư lên tới 62 tỉ USD bị chựng lại do thiếu kinh phí.

Cảng Gwadar của Pakistan. Ảnh: Bloomberg

CPEC là  siêu dự án phát triển nhằm mục đích kết nối cảng Gwadar ở Tây Nam Pakistan với khu tự trị Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc, thông qua cảng biển, một mạng lưới đường cao tốc, đường sắt, đường ống dẫn dầu và khí đốt, hàng chục nhà máy và sân bay lớn nhất Pakistan. Dự án này được xem là trung tâm của mối quan hệ Trung Quốc-Pakistan. Song, sau gần 7 năm, có rất ít bằng chứng cho thấy các hạng mục được hiện thực hóa.

►Nhiều công trình án binh bất động

Nơi xây dựng sân bay mới hiện chỉ là khu vực đầy bụi rậm. Được công bố hồi năm 2014, sân bay này được lên kế hoạch xây dựng bằng khoản vay trị giá 230 triệu USD từ Trung Quốc và một khoản tài trợ từ Oman. Giới chức Pakistan năm 2015 tuyên bố nó sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2016, rồi dời tới tháng 10-2017 nhưng đến nay “vẫn vậy”.

Các nhà máy trên bãi biển dọc theo vịnh phía Nam sân bay cũng chưa được thi công. Trong khi đó, giao thông tại cảng Gwadar thì thưa thớt. Năm 2015, một khu vực thương mại tự do được thành lập tại Gwadar, với sự đăng ký hoạt động của 10 công ty, gồm một nhà sản xuất thép Trung Quốc và một nhà sản xuất dầu ăn Pakistan. Song, không có công ty nào trong số này đi vào hoạt động. Tạp chí Balochistan đặt tại Gwadar cho biết cuộc sống của người dân nơi đây không cải thiện nhiều sau 5 năm các dự án thuộc CPEC được triển khai. Nhiều khu phố vẫn chưa có cơ sở hạ tầng tốt, các vấn đề về nước thải không được giải quyết trong khi luôn xảy ra tình trạng mất điện, đặc biệt là vào mùa hè, nghiêm trọng hơn là không có nước sử dụng.

CPEC được kỳ vọng sẽ giúp rút ngắn tuyến đường vận chuyển khí đốt và dầu mỏ từ Trung Đông sang miền Tây Trung Quốc hàng ngàn kilomét, giúp Pakistan tạo ra thêm 2,3 triệu việc làm cũng như giúp GDP nước này tăng 2,5%. Nó được xem như dự án thí điểm, là mô hình cho các quốc gia tham gia sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc trên khắp thế giới. Song cho tới nay, chưa tới 1/3 các dự án thuộc CPEC được hoàn thành, với tổng giá trị chỉ khoảng 19 tỉ USD. Islamabad nhiều lần bỏ lỡ mục tiêu xây dựng các hạng mục thuộc CPEC vì hết tiền. Pakistan hồi năm ngoái phải nhận khoản cứu trợ trị giá 6 tỉ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Thật ra, giới phân tích cho rằng Trung Quốc quan tâm phát triển cảng Gwadar không đơn thuần về kinh tế (đường vận tải dầu khí) mà còn tham vọng chính trị. Cảng này là trung tâm trên con đường từ Sri Lanka đi qua Maldives tới Djibouti, nơi Trung Quốc đã xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở Sừng châu Phi. Cần biết rằng thành phố cảng Gwadar xa xôi hẻo lánh chỉ có 140.000 dân, nên không cần thiết phải xây dựng sân bay lớn nhất nước. Ngay cả khi Trung Quốc xây dựng đủ các nhà máy như kế hoạch thì nơi đây không thể có đủ công nhân làm việc. 

►Tham vọng BRI  bị thu hẹp

Tuy nhiên, những gì diễn ra ở Pakistan chỉ là phần nổi của những vấn đề mà BRI gặp phải. Trung Quốc hiện đang thu hẹp tham vọng của mình, không chỉ ở Pakistan mà trên toàn thế giới. Tăng trưởng kinh tế của nước này đạt mức thấp nhất trong vòng 3 thập kỷ qua, trong khi tình trạng lạm phát ngày càng gia tăng trong bối cảnh Trung Quốc đang chịu tác động nghiêm trọng từ thương chiến với Mỹ cũng như dịch COVID-19 hoành hành. Ở một số quốc gia, nhiều dự án do Trung Quốc tài trợ bị hủy bỏ, thu hẹp quy mô hoặc được xem xét lại. Đơn cử, Malaysia mới đây đã tái đàm phán các điều khoản trong thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt do Trung Quốc tài trợ và cho dừng dự án xây đường ống dẫn dầu trị giá 3 tỉ USD. Trong khi đó, Kenya hồi năm ngoái đã cho tạm ngưng dự án xây dựng nhà máy điện trị giá 2 tỉ USD cũng do Trung Quốc tài trợ. Còn tại Sri Lanka, giới lãnh đạo nước này cho biết muốn giành lại quyền kiểm soát cảng nước sâu Hambantota mà Colombo cho Bắc Kinh thuê trong vòng 99 năm để “khất” khoản nợ 1,1 tỉ USD.

Kết quả là, hàng trăm tỉ USD đã được cắt giảm khỏi khoản chi tiêu dự kiến lên tới 1 nghìn tỉ USD dành cho BRI. Dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy, mức chi thực tế dành cho các dự án đã được ký kết hồi năm ngoái chỉ ở mức 75 tỉ USD. Và tổng chi tiêu dành cho BRI từ đầu năm 2014 – thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình công bố dự án - đến tháng 11-2019 là 337 tỉ USD, thua xa các mục tiêu đầy tham vọng của Trung Quốc.

TRÍ VĂN (Theo Bloomberg)

Chia sẻ bài viết