 |
Gây tranh cãi nhất là việc tái bổ nhiệm lãnh chúa Ismail Khan, người bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và tham nhũng. Ảnh: AFP |
Trong số 23 bộ trưởng vừa được Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai chỉ định vào nội các mới có tới 11 gương mặt cũ. Mà họ toàn nắm những bộ quan trọng như quốc phòng, nội vụ, tình báo, tài chính... Những nhân vật này đã được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton “chấm” khi bà dự lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai của ông Karzai hồi tháng rồi.
Đa phần trong số 12 gương mặt mới bị chê là không nổi bật. Không ít người được bổ nhiệm như là sự đền đáp của Tổng thống Karzai do họ đã góp sức giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi tháng 8.
Trong nội các mới có hai lãnh chúa là Ismail Khan được tái bổ nhiệm chức bộ trưởng năng lượng- một vị trí nhiều quyền lực ở Afghanistan, và Gul Agha Shairzai làm quốc vụ khanh phụ trách phát triển. Dĩ nhiên là ông Karzai cũng không quên chứng tỏ quyết tâm bài trừ tham nhũng của mình khi loại bỏ Bộ trưởng Mỏ Mohammad Ibrahim Adel, bị Mỹ cáo buộc nhận hối lộ 30 triệu USD từ một công ty Trung Quốc; và Bộ trưởng Tôn giáo Sadiq Chakari, bị tình nghi nhận lại quả trong việc tổ chức các chuyến hành hương sang thánh địa Mecca ở Arabie Séoudite.
Điểm qua thành phần nội các mới, không khó để thấy rằng Tổng thống Karzai đang cố gắng làm hài lòng cả phương Tây và những thế lực trong nước hậu thuẫn ông, nhất là các lãnh chúa. Nhưng cũng chính điều đó đã cản trở việc cho ra đời một chính phủ trong sạch, có trách nhiệm và đổi mới như ông cam kết. Waheed Mujda, nhà phân tích chính trị ở Thủ đô Kabul, cho rằng danh sách nội các mới thể hiện ý muốn tiếp tục những gì đã diễn ra trong nhiệm kỳ trước. “Chúng tôi không thấy những gương mặt mới trong nội các có thể cho chúng tôi kỳ vọng về một sự thay đổi lớn đối với tương lai đất nước”, Mujda thổ lộ với hãng tin Pháp AFP. Các nhóm nữ quyền cũng lên tiếng chỉ trích. Chủ tịch Hội Phụ nữ Afghanistan Suraya Parlika bày tỏ: “Ông Karzai cam kết thành lập nội các mới dựa trên phẩm chất, sự minh bạch, năng lực và hiệu quả, nhưng chúng tôi thấy hầu hết là những nhân vật cũ”. Ngoài ra, trong nội các mới chỉ có một bóng hồng là bà Husn Banu Ghazanfar làm bộ trưởng các vấn đề phụ nữ. Nhiều nhà lập pháp cũng tỏ ra không tán thành. Nghị sĩ Nur ul-Haq Ulumi cho rằng “Không có những khác biệt lớn. Với những người yếu như vậy, chúng ta không thể làm được gì”. Còn theo nghị sĩ Khalid Pashtoon thì danh sách nội các mới là không thể chấp nhận, bởi một số bộ trưởng sẽ chỉ là những con rối của các lãnh chúa.
Với một nội các được nhiều người cho là “bình mới, rượu cũ” như vậy, câu hỏi liệu Tổng thống Karzai có thể đẩy lùi tham nhũng và “lấy lại những gì đã mất” từ tay Taliban trở nên rất khó trả lời.
LÊ DÂN