30/03/2012 - 21:15

Tây Ban Nha

Biểu tình, đình công biến thành bạo động

Cảnh sát chống bạo động đối mặt với người biểu tình quá khích. Ảnh: AP

Hôm 29-3, cuộc biểu tình và tổng đình công chống chính sách “thắt lưng buộc bụng” và những sửa đổi về luật lao động tại Tây Ban Nha đã biến thành bạo loạn khi hàng ngàn người biểu tình dựng lên các chướng ngại vật trên đường phố, đập phá các cửa hàng và tấn công cảnh sát.

Cuộc biểu tình của những người Tây Ban Nha bất bình các biện pháp cắt giảm chi tiêu mới của chính phủ diễn ra trong bối cảnh khi tỷ lệ thất nghiệp leo thang (lên mức 70% lực lượng lao động). Cùng lúc này, hai liên đoàn lao động chính tại xứ sở bò tót phát động cuộc đình công nhằm phản đối luật lao động mới, vốn cho phép giới chủ các công ty có thể sa thải nhân công với mức tiền đền bù thấp hơn trước đây (33 ngày lương/năm làm việc, trong khi mức hiện tại là 45 ngày lương/năm làm việc). Theo luật mới, công nhân còn bị giảm mức tiền công, giảm bớt các điều kiện làm việc...

Tại Barcelona, nhiều vụ xô xát xảy ra. Một nhóm người biểu tình ném trứng vào những bức tường vẽ hình thị trường chứng khoán của thành phố để biểu lộ sự phẫn nộ của họ. Một số khác đốt giấy, thùng nhựa và dựng chướng ngại vật trên đường. Bạo động nghiêm trọng nhất diễn ra ở một sảnh sòng bạc khi một số kẻ lợi dụng cuộc biểu tình để cướp 2.250 euro từ quầy thu tiền. Nhiều nhóm nhỏ ẩu đả với cảnh sát.

Cuộc tổng đình công ở các ngành dịch vụ và công nghiệp cũng khiến hàng loạt chuyến bay bị hủy, các dịch vụ xe điện, xe buýt và taxi gần như không hoạt động tại các thành phố lớn như Madrid và Barcelona. Các đài truyền hình địa phương tại Andalusia, Catalonia và Madrid đều buộc phải ngừng phát sóng vì cuộc biểu tình. Hơn 1.000 cảnh sát chống bạo động được huy động. Khoảng 60 người quá khích đã bị bắt, hàng chục người (đa số là cảnh sát) bị thương trong các vụ đụng độ.

Các chính sách mới của chính phủ Tây Ban Nha được thiết kế nhằm giúp Madrid giảm thâm hụt ngân sách hàng chục tỉ euro, xuống ngưỡng giới hạn của Liên minh châu Âu (EU), cũng như khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư quốc tế, vốn quyết định chi phí vay mượn của nước này, trong nỗ lực vượt qua cơn khủng hoảng nợ.

THUẬN HẢI (Theo Telegraph, Daily Mail)

Chia sẻ bài viết