29/11/2018 - 22:20

Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ tử vong và bệnh tật

Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí The Lancet hôm 28-11, biến đổi khí hậu đang đẩy thêm nhiều cư dân toàn cầu vào nguy cơ tử vong và bệnh tật.

Các nhà nghiên cứu cho biết tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu nghiêm trọng nhất đối với nhóm dân số lớn tuổi, dân số đô thị và người mắc bệnh mãn tính. So với châu Phi và Đông Nam Á, châu Âu và Đông Địa Trung Hải dễ tổn thương hơn, do cả hai nơi này có nhiều cư dân lớn tuổi sinh sống ở các thành phố đông đúc. Bằng chứng là tỷ lệ người trên 65 tuổi và dễ tổn thương vì tiếp xúc sức nóng ở châu Âu và Đông Địa Trung Hải lần lượt là 42% và 43%, trong khi ở châu Phi và Đông Nam Á là 38% và 34%.

Tuy vậy, do sự lan truyền của bệnh không lây nhiễm (như bệnh tim mạch, ung thư, chứng hô hấp kinh niên …) tăng lên ở những nước có thu nhập thấp và trung bình, nên mức độ mắc bệnh của những dân cư tại đây cũng tăng – đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á.

Trong năm 2017, 153 tỉ giờ lao động đã bị bỏ phí do sức nóng - tăng 62 tỉ giờ so với năm 2000.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến đổi khí hậu tác động đến nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe - bao gồm không khí, nước sạch, thực phẩm và nơi trú ẩn. WHO ước tính trong giai đoạn 2030-2050, biến đổi khí hậu có thể gây ra thêm 250.000 ca tử vong/năm do suy dinh dưỡng, tiêu chảy, sốt rét và căng thẳng tinh thần vì sức nóng.

NG. CÁT (Theo Reuters, The Quint)

Chia sẻ bài viết