21/08/2012 - 21:19

Bắc Kinh trước làn sóng biểu tình chống Nhật

Cuộc biểu tình chống Nhật tại thành phố
Thâm Quyến hôm 19-8. Ảnh: Reuters

Các cuộc biểu tình chống Nhật quá khích diễn ra ở ít nhất 10 thành phố tại khắp khu vực trong cả nước Trung Quốc mấy ngày qua xung quanh vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể là “con dao hai lưỡi” đối với chính quyền Bắc Kinh trước kỳ đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc thứ 18 nhằm chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo mới.

Theo tờ Csmonitor của Mỹ, Chính phủ Trung Quốc có thể đã cho phép công dân của mình bày tỏ sự giận dữ trước Nhật Bản trong cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Theo ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế thuộc Đại học Renmin Trung Quốc tại Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc muốn chứng tỏ với công chúng rằng họ không “mềm yếu” trong tranh chấp chủ quyền quốc gia, đặc biệt là với Nhật Bản. Các nhà phân tích cho rằng giới chức Bắc Kinh, vốn muốn Trung Quốc được nhìn nhận như là một siêu cường đang trỗi dậy, đang dùng biện pháp cứng rắn giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ để tạo dựng lòng tin chính trị trong nước trước kỳ đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm nay, thời điểm quyết định chọn thế hệ lãnh đạo mới.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ không để các cuộc biểu tình phát triển lan rộng và lớn mạnh như năm 2005 gây ra những tổn hại nghiêm trọng. Các cuộc biểu tình hiện nay ở quy mô nhỏ hơn so với 20.000 người cách đây 7 năm. Giáo sư Tinh Wei thuộc khoa nghiên cứu quốc tế Đại học Baptist Hồng Công cho rằng, nếu làn sóng biểu tình tiếp tục dâng cao và hình thành một phong trào dân tộc chống Nhật thì chính quyền Trung Quốc có thể lâm vào tình thế khó khăn trong quan hệ với Nhật về mặt lâu dài. Bài xã luận của Tân Hoa Xã ngày 20-8 nêu rõ “chủ nghĩa yêu nước là hành động cao quý, nhưng người biểu tình nên tránh bất kỳ cách ứng xử bạo lực và không có lý trí”. Hôm 19-8, cũng trong bài xã luận trước cuộc biểu tình tại Thâm Quyến dẫn đến hành động quá khích tấn công một nhà hàng và một xe cảnh sát mang thương hiệu Nhật Bản, Tân Hoa Xã gọi đó là những hành vi “dại dột”. “Các cấp chính quyền Trung Quốc khuyến khích công dân bày tỏ chủ nghĩa yêu nước một cách hòa bình, nhưng về nguyên tắc phản đối mọi sự yêu nước mù quáng có thể dẫn đến bạo lực”- Tân Hoa Xã nhấn mạnh.

Có thể nói, Trung Quốc là một cường quốc đang lên và đã trở thành nền kinh tế lớn hai thế giới trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản tiếp tục đình đốn. Các công ty Nhật cũng cần số đông người tiêu dùng Trung Quốc, quốc gia đồng thời cung cấp cho nước Nhật đất hiếm chế tạo hàng hóa công nghệ cao. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng cần nguồn đầu tư hiệu quả và tạo ra việc làm từ giới doanh nghiệp Nhật Bản. Hơn nữa, Nhật là một đồng minh chiến lược của Mỹ, cường quốc quân sự mà Trung Quốc từ lâu dè chừng trong các quyết sách có liên quan đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông càng tạo điều kiện cho Mỹ đẩy mạnh sự hiện diện ở khu vực này.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Cuộc biểu tình chống Nhật tại thành phố Thâm Quyến hôm 19-8. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết