30/09/2021 - 08:31

Anh - Pháp lại căng thẳng về quyền đánh cá 

Hôm 28-9, Pháp giận dữ chỉ trích Anh châm ngòi “cuộc chiến đánh cá” mới trong khi Luân Đôn khẳng định họ theo đuổi cách tiếp cận hợp lý để kiểm soát quyền khai thác hải sản trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế.

Tàu đánh cá Pháp trong đợt “bao vây” cảng St Helier ở đảo Jersey. Ảnh: AFP

Tàu đánh cá Pháp trong đợt “bao vây” cảng St Helier ở đảo Jersey. Ảnh: AFP

Đầu tuần này, Chính phủ Anh cho biết họ chỉ cấp 12 trong số 47 đơn xin giấy phép mới cho các tàu thuyền nhỏ dưới 12m của Pháp đánh cá trong vùng biển của mình. Theo các quan chức, giấy phép được cấp dựa trên hồ sơ theo dõi hoạt động của các tàu ở những ngư trường trong giai đoạn 2012-2016. Một người trong số này còn nhấn mạnh Anh đã “nhân nhượng hết mức” dựa trên Hiệp định Thương mại và Hợp tác ký với Liên minh châu Âu (EU) sau khi nước này rời khỏi khối (Brexit).

Tin tức trên được công bố 48 giờ trước khi giấy phép đánh bắt cá quanh đảo Jersey (hòn đảo tự trị độc lập với Vương quốc Anh) của hàng chục ngư dân Pháp hết hạn. Phần lớn các đội tàu Pháp coi đây là hành động “gây chiến” của Luân Đôn và đe dọa trả đũa bằng cách chặn tàu Anh cập các cảng lớn của Pháp như Bulougne-sur-mer, cửa ngõ quan trọng vào các thị trường trên khắp châu Âu. Trong tuyên bố, Bộ trưởng Hàng hải Pháp Annick Girardin chỉ trích Anh không tuân thủ các điều kiện trong thỏa thuận Brexit ký kết với Brussels. “Chúng tôi hiểu và chia sẻ sự bực tức của ngư dân, cũng như không ngần ngại có hành động trả đũa nói chung. Chúng ta không thể tự tin hợp tác với Anh khi thỏa thuận không được tôn trọng” - Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cảnh báo.

Quyền khai thác hải sản trong vùng biển chồng lấn giữa Anh và các quốc gia EU là một trong những rào cản chính trong quá trình đàm phán thỏa thuận hậu Brexit. Hồi tháng 12-2020, hai bên rốt cuộc đã đạt được thỏa thuận đảm bảo quyền lợi cho các đội tàu đánh cá hoạt động trong vùng biển của Anh và EU cho tới cuối năm 2021. Đến nay, Chính phủ Anh cho biết đã cấp giấy phép cho hơn 1.600 tàu thuyền muốn tiếp cận khu vực cách bờ biển nước này 12-200 hải lý. Anh cũng cấp 105 giấy phép cho các tàu hoạt động trong vùng 6-12 hải lý, gần 90 chiếc trong số này là của Pháp.

Nhưng hồi tháng 4, tranh cãi nổ ra khi chính quyền đảo Jersey nằm trong vùng biển Manche tại vị trí gần vùng Normandy của Pháp, quyết định không cấp giấy phép đầy đủ cho các tàu cá của nước láng giềng do hồ sơ không đạt yêu cầu. Thời điểm đó, ngư dân Pháp đã phản đối bằng cách bao vây cảng chính St Helier để chặn dòng lưu thông hàng hóa. Trong tuyên bố trước Quốc hội, Bộ trưởng Girardin còn đe dọa cắt nguồn cung cấp điện cho đảo Jersey khi nói rằng Paris có quyền hành động để bảo vệ lợi ích của ngư dân. Trước nguy cơ “bao vây” của tàu cá Pháp, Anh đã điều 2 tàu tuần tra vũ trang ra vùng biển khu vực eo biển Manche để bảo vệ đảo Jersey.

Khoét sâu rạn nứt

Hãng tin AFP cho biết, các quan chức Pháp đang thảo luận với EU cách đáp trả tương xứng hành động “khiêu khích” từ Anh. Một nghị sĩ còn đề nghị Brussels sử dụng tất cả các đòn bẩy theo ý mình để tìm kiếm thỏa thuận chắc chắn hơn. Theo cựu trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier, người cạnh tranh với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc chạy đua vào Điện Élysée năm tới, diễn biến này cùng với mâu thuẫn gần đây về vấn nạn người di cư bất hợp pháp qua eo biển Manche có thể gây tổn hại đáng kể cho quan hệ Anh - Pháp.

Nguy cơ về cuộc chiến đánh cá xuất hiện vài ngày sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson có cuộc điện đàm với Tổng thống Macron nhằm xoa dịu căng thẳng liên quan hiệp ước quốc phòng giữa Anh, Úc và Mỹ, trong đó Pháp mất hợp đồng đóng tàu ngầm cho Úc trị giá nhiều chục tỉ USD. Các nhà phân tích dự báo ông Macron có thể phản ứng cứng rắn hơn trước những rủi ro tiềm tàng có thể ảnh hưởng đến triển vọng tái cử. 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Guardian)

Chia sẻ bài viết