Các chuyên gia sức khỏe Mỹ cho biết việc lựa chọn thực phẩm tiêu thụ đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát hiệu quả mức cholesterol (mỡ máu), qua đó giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch tổng thể. Và hạt óc chó là một thực phẩm cung cấp loại prôtêin có tác động làm giảm cholesterol.
Hạt óc chó chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe tim mạch. Ảnh: BBC Good Food
Theo Tiến sĩ Wendy Bazilian, một chuyên gia dinh dưỡng của Mỹ, nồng độ cao cholesterol “xấu” LDL trong máu có thể dẫn đến tích tụ mảng bám trong động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Trái lại, việc duy trì ổn định mức cholesterol “tốt” HDL giúp loại bỏ lượng cholesterol dư thừa khỏi máu.
Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy ăn 30-60gr (1-2 nắm tay) hạt óc chó mỗi ngày trong 2 năm có thể giúp làm giảm khoảng 4% trong tổng lượng cholesterol và mức cholesterol “xấu” LDL. Năm 1993, Ðại học Loma Linda (Mỹ) công bố một nghiên cứu chỉ ra các đặc tính dinh dưỡng nổi bật của một số loại hạt, mà đặc biệt là hạt óc chó. Kể từ đó, hàng trăm nghiên cứu khác đã được tiến hành để mở rộng và xác nhận nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau của các loại hạt.
Dưới đây là những giá trị dinh dưỡng nổi bật giúp hạt óc chó trở thành một thực phẩm xứng đáng bổ sung vào chế độ ăn giảm cholesterol:
+ Nhiều chất xơ. Với việc cung cấp 2gr chất xơ trên mỗi 30gr hạt óc chó, thì nhâm nhi hạt óc chó có thể là một cách ngon miệng để mọi người bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn uống hằng ngày, qua đó giúp ích cho việc kiểm soát và giảm mức cholesterol. “Chất xơ trong trái óc chó giúp giảm mức cholesterol bằng cách liên kết với cholesterol trong hệ tiêu hóa và hỗ trợ quá trình bài tiết cholesterol. Ðiều này làm giảm lượng cholesterol được hấp thụ vào máu”, chuyên gia dinh dưỡng Samantha DeVito (Mỹ) cho biết.
+ Giàu chất béo tốt. Hạt óc chó chứa 2 loại chất béo không bão hòa đa có lợi cho sức khỏe tim. Loại đầu tiên là axít alpha-linoleic, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa lipid bằng cách giúp loại bỏ cholesterol LDL khỏi cơ thể. Còn chất béo thứ 2 tốt cho tim trong trái óc chó là axít alpha-linolenic (ALA). Chất béo omega-3 có nguồn gốc thực vật này đã được chứng minh là có tác dụng điều chỉnh mức cholesterol LDL và triglyceride (một loại mỡ máu khác).
+ Giàu chất chống ôxy hóa. Hạt óc chó dồi dào polyphenol, một hợp chất thực vật giúp tăng cường sức khỏe tim. Chất chống ôxy hóa này có thể vô hiệu hóa các gốc tự do gây hại, giảm tình trạng căng thẳng ôxy hóa có thể tổn hại các mô và tế bào. Nhờ công dụng chống viêm - một tình trạng thúc đẩy nhiều bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, mà polyphenol có thể thúc đẩy việc cải thiện chức năng tim. Nghiên cứu cho thấy thành phần polyphenol trong hạt óc chó có thể tăng cường cholesterol “tốt” HDL ở những người mắc hội chứng chuyển hóa.
+ Hỗ trợ sức khỏe ruột. Hạt óc chó được phát hiện có tác động tích cực đến sức khỏe đường ruột, bằng cách thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của các lợi khuẩn. Ðây là những vi khuẩn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể bằng cách hỗ trợ tiêu hóa, hỗ trợ hệ miễn dịch và thậm chí góp phần vào các quá trình trao đổi chất của cơ thể. Nghiên cứu cho thấy các hợp chất có hoạt tính sinh học trong hạt óc chó, như chất xơ và polyphenol, tạo ra một môi trường thuận lợi giúp lợi khuẩn đường ruột phát triển mạnh. Ðiều này vừa có lợi cho sức khỏe tiêu hóa, vừa tốt cho tim vì số lượng lớn hơn của một số vi khuẩn đường ruột có lợi có liên quan đến việc giảm mức cholesterol, theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ.
Những mẹo bổ sung hạt óc chó trong chế độ ăn
Cách đơn giản nhất để ăn hạt óc chó là đập tách vỏ để lấy nhân ăn trực tiếp. Mọi người cũng có thể bỏ thêm nhân hạt óc chó vào bữa ăn sáng, như các món yến mạch, sữa chua hoặc ngũ cốc nguyên cám. Hạt óc chó còn có thể dùng làm nguyên liệu chế biến sữa hạt, sinh tố, làm bánh hay bỏ thêm vào các món rau trộn để tăng thêm hương vị và hàm lượng dinh dưỡng cho món ăn.
Không chỉ vậy, hạt óc chó cũng thích hợp dùng pha chế các loại nước sốt cần vị béo, mà vẫn đảm bảo hấp thụ lượng chất béo tốt trong bữa ăn.
AN NHIÊN (Theo EatingWell)