Tháng 8-2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 974/QÐ-TTg thành lập Hội đồng Ðiều phối vùng ÐBSCL. Hội đồng đã phát huy vai trò đầu mối điều phối các hoạt động liên kết vùng, giải quyết các vấn đề chung của vùng. Tuy nhiên, với những thách thức đặt ra đối với ÐBSCL, đặc biệt là vấn đề hoàn thiện hạ tầng giao thông, xâm nhập mặn, sạt lở, thiếu nước ngọt… cần có cơ chế, chính sách và những giải pháp kịp thời để tạo sức bật tăng trưởng của vùng trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Với lợi thế phát triển nông nghiệp, ĐBSCL cần đầu tư tương xứng cho lĩnh vực này để nông sản của vùng khẳng định vị thế trong và ngoài nước.
Nỗ lực điều phối, kết nối
Sau hơn 2 năm thành lập, Hội đồng điều phối vùng ÐBSCL định kỳ tổ chức được 4 hội nghị để thảo luận, đề ra giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn phát triển của các vùng như phát triển giao thông kết nối, quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các vùng. Các bộ, ngành, địa phương sát sao, kịp thời ban hành và cụ thể hóa việc triển khai, thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ ngay từ khi các Nghị quyết được ban hành; thực hiện tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến các cấp, các ngành... Ðồng thời, chủ động, tích cực thực hiện các hoạt động liên kết, kết nối để khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Ðơn cử, TP Hồ Chí Minh ký kết hợp tác với các địa phương trong vùng ÐBSCL; liên kết Tiểu vùng duyên hải phía đông ÐBSCL (Bến Tre - Tiền Giang - Trà Vinh - Vĩnh Long); tổ chức diễn đàn “Mekong Connect” năm 2024 với sự tham gia của An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang; diễn đàn Liên kết phát triển du lịch vùng TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành khu vực ÐBSCL lần thứ 3 - năm 2024 với chủ đề “Du lịch ÐBSCL, hướng đến phát triển du lịch xanh và bền vững”...
Ðiểm qua một số nét về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của vùng trong năm qua, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bô Kế hoạch và Ðầu tư, thông tin: Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của vùng ÐBSCL đạt 7,31%, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (cả nước khoảng 7%), đứng thứ 3/6 các vùng kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người toàn vùng đạt 80,7 triệu đồng/người/năm, đứng thứ 5/6 vùng trên cả nước. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đến hết tháng 11-2024 có 2.086 dự án đang hoạt động với tổng số vốn huy động là 36.755,34 triệu USD… Nhiều dự án, công trình trọng điểm trong vùng được triển khai, xây dựng, tạo thuận lợi cho kết nối nội vùng, liên vùng, các tuyến đường trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ như tuyến cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh. Công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội tiếp tục được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của Hội đồng vẫn còn nhiều nhiệm vụ chưa được các bộ, địa phương hoàn thành theo tiến độ; liên kết vùng chưa hiệu quả, một số thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức, chưa thực chất. Các nội dung liên kết vùng quan trọng (đầu tư phát triển; đào tạo và sử dụng lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng, liên vùng...) chưa được triển khai một cách đầy đủ. Tiến độ triển khai các dự án trọng điểm chưa đáp ứng yêu cầu; các dự án phát triển bền vững vùng ÐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu sử dụng vốn vay nước ngoài (các dự án DPO) có quá trình chuẩn bị và phê duyệt còn chậm so với dự kiến…
Tiếp tục phát huy vai trò
Từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn phát triển tại ÐBSCL, nhiều ý kiến đề xuất các bộ, địa phương nghiên cứu, lựa chọn các dự án vùng và có tính chất vùng quan trọng, cấp bách theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị và theo quy hoạch vùng để ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026-2030. Trong đó, dành nguồn vốn phù hợp chuẩn bị đầu tư trong năm 2025 để triển khai thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030.
Ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Do tính chất quan trọng cần có các giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài cho sự phát triển bền vững của vùng ÐBSCL, cần ưu tiên nguồn lực từ ngân sách, nguồn vốn ODA để xây dựng đầu tư các dự án liên quan đến bảo vệ, phát triển vùng sinh thủy, vùng nước ngọt, các dự án đảm bảo an ninh nguồn nước… Trong đó, có thể chia làm 3 nhóm dự án để ưu tiên đầu tư. Nhóm 1: đầu tư các công trình kiểm soát mặn, trữ, chuyển nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và thoát lũ. Nhóm 2: đầu tư hệ thống trữ ngọt (hồ chứa nước phân tán), công trình cung cấp nước sinh hoạt tập trung, trữ nước hộ gia đình cho người dân khu vực thường xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn. Nhóm 3: đầu tư xử lý sạt lở bờ sông và củng cố đê biển.
Với lợi thế phát triển nông nghiệp, ĐBSCL cần đầu tư tương xứng cho lĩnh vực này để nông sản của vùng khẳng định vị thế trong và ngoài nước.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Với vị trí, vai trò là trung tâm vùng ÐBSCL, TP Cần Thơ xác định trách nhiệm là địa phương đi đầu trong triển khai các nhiệm vụ, trên tinh thần quyết liệt, đột phá, đổi mới, sáng tạo, để góp phần cùng ÐBSCL tăng tốc, bứt phá trong giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh đó, Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ vùng ÐBSCL đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ðồng thời, ban hành cơ chế đặc thù phát triển vùng ÐBSCL, gắn với từng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị để vùng triển khai có hiệu quả các định hướng của Trung ương như cơ chế về tính giá cho thuê đất (hiện nay tính theo giá thị trường) để thu hút đầu tư vào vùng ÐBSCL; hỗ trợ bảo vệ các nguồn nước, bảo tồn các di sản văn hóa; hỗ trợ tài chính thực hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng...
Phát biểu tại hội nghị Hội đồng Ðiều phối vùng ÐBSCL lần V mới đây, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh: Trong năm 2025, Hội đồng tiếp tục triển khai các hoạt động điều phối vùng một cách thiết thực, hiệu quả, theo chức năng, nhiệm vụ được giao; nâng cao vai trò điều phối, liên kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố, khắc phục các điểm nghẽn phát triển. Ðặc biệt, xác định công tác điều phối thực hiện các dự án vùng, liên vùng, dự án trọng điểm quốc gia, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước là một nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các dự án đúng tiến độ. Ðồng thời, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tại quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch vùng ÐBSCL; quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi; quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt… Với thế mạnh phát triển nông nghiệp, các bộ ngành và địa phương trong vùng đẩy mạnh liên kết vùng phát triển thương mại, nhất là xuất khẩu nông sản chủ lực thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư tại thị trường nước ngoài nhằm quảng bá thương hiệu nông sản, thu hút đầu tư chung cho cả vùng.
Bài, ảnh: MỸ THANH