Bước qua năm 2025, một thế hệ mới đã xuất hiện và có thể định hình lại thế giới trong những thập kỷ tới với tên gọi Generation Beta (Gen Beta).
Gen Beta sẽ lớn lên trong một thế giới mà AI ngày càng phổ biến. Ảnh: LinkedIn
Theo công ty chuyên cung cấp dịch vụ phân tích thế hệ và nhân khẩu học McCrindle trụ sở tại Úc, Gen Alpha (chỉ những người sinh trong giai đoạn 2010-2024) không còn là thế hệ trẻ nhất. Bởi từ năm 2025 đến 2039, những em bé sinh ra sẽ thuộc thế hệ mới Beta.
Tính từ đầu thế kỷ 20, đây là những thế hệ tiếp nối sau Thế hệ vĩ đại nhất (sinh từ năm 1901-1927), Thế hệ im lặng (1928-1945), Thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh (1946-1964), Thế hệ X (1965-1980), Thế hệ Y hay còn gọi Millennials (1981-1996) và Thế hệ Z (1997-2009). Trong bài đăng, công ty McCrindle cho biết Thế hệ Beta sẽ chiếm 16% dân số toàn cầu (khoảng 2,1 tỉ người) vào năm 2035.
Một thế giới hoàn toàn khác
McCrindle cho biết tên gọi Alpha và Beta được đặt dựa trên bảng chữ cái tiếng Hy Lạp. Kế thừa Gen Beta, thế hệ tiếp theo có thể được gọi là Gen Gamma, tức người sinh từ năm 2040 đến 2054. Cách gọi này không chỉ tượng trưng cho thế hệ mới, mà nó còn biểu thị đây là những "gen" đầu tiên được nuôi dạy trong thế giới hoàn toàn khác.
Trước tiên về quy mô gia đình, phần lớn các quốc gia trên thế giới đang đối mặt "đại dịch sinh sản" khi ngày càng nhiều gia đình trì hoãn sinh con. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cũng như những "cú sốc" về kinh tế - xã hội. Chuyên san y học Lancet cho biết, tỷ suất sinh toàn cầu (tức số con sinh ra trung bình trên mỗi phụ nữ) đã giảm từ khoảng 5 con vào năm 1950 xuống còn 2,2 con vào năm 2021. Ðến năm 2050, dân số của 155 trong số 204 quốc gia và vùng lãnh thổ được dự đoán thu hẹp lại và xu hướng lan rộng ra 198 quốc gia, vùng lãnh thổ vào cuối thế kỷ này.
Với tốc độ trên, trẻ em Thế hệ Beta khả năng được nuôi dưỡng bởi những bậc cha mẹ lớn tuổi và chín chắn, tức là ổn định hơn về mặt kinh tế. Nhưng so với những thế hệ trước, Gen Beta sẽ trưởng thành trong gia đình có quy mô nhỏ với ít thành viên, dẫn tới những tác động tiêu cực không thể tránh khỏi về trải nghiệm sống.
Bên cạnh đó, ra đời trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa đang thống trị, các chuyên gia chắc chắn công nghệ đóng vai trò lớn trong cuộc sống hằng ngày của Gen Beta. Trong 3 thế hệ gần đây, Thế hệ Y trải qua sự phát triển sớm của Internet, Thế hệ Z lớn lên với "thế giới không biên giới" khi các dịch vụ mạng không ngừng mở rộng, còn Thế hệ Alpha thì được bao trùm bởi các thiết bị điện tử. Họ đôi khi bị gọi là "những đứa trẻ iPad" vì hầu hết đều sở hữu và phụ thuộc nhiều vào thiết bị thông minh.
Là thế hệ kế thừa, cuộc sống và quan niệm của Gen Beta về các nền tảng chính như gia đình, bạn bè, giáo dục và sự nghiệp sẽ được định hướng trong thời đại mà tương tác kỹ thuật số được xem là yếu tố mặc định. Ðây là cơ hội để các em bé bây giờ trở thành thế hệ đầu tiên trong tương lai trải nghiệm phương tiện di chuyển tự động ở quy mô lớn, công nghệ theo dõi sức khỏe và môi trường ảo nhập vai như những khía cạnh tiêu chuẩn của lối sống hằng ngày. Tuy nhiên, McCrindle dự đoán những bậc cha mẹ thuộc Gen Z có thể sẽ thận trọng hơn trong việc để con cái tương tác với thế giới kỹ thuật số. Theo McCrindle, 36% cha mẹ thuộc Gen Z hoàn toàn đồng ý việc giới hạn thời gian con trẻ sử dụng các thiết bị thông minh như điện thoại. Trong khi đó, chỉ 30% cha mẹ thuộc Gen Y nhất trí với ý kiến này.
Thách thức riêng biệt
Theo Giáo sư Sean Lyons tại Ðại học Guelph (Canada), thật khó để suy đoán về một thế hệ đang vẫn còn quá mới. Nhưng giống như các thế hệ trước, Gen Beta sẽ không tránh khỏi phải đối mặt nhiều thách thức.
Ðầu tiên là những cuộc khủng hoảng lớn về mặt xã hội như biến đổi khí hậu, sự thay đổi dân số toàn cầu và quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Kế đến là công nghệ. Không giống Gen Y hay Gen Z học cách thích nghi trước sự trỗi dậy của AI và tự động hóa, Gen Beta sẽ sống trong kỷ nguyên mà những mô hình công nghệ tiên tiến hoàn toàn thâm nhập vào cuộc sống. Thậm chí, trong tương lai, thế hệ tiếp theo sẽ phát triển những bộ kỹ năng mới để quản lý và khai thác AI cho mọi nhu cầu từ giáo dục, việc làm đến chăm sóc sức khỏe và giải trí.
Nhưng cũng bởi được sinh ra giữa thời đại công nghệ phát triển vượt bậc, việc theo kịp và thích ứng nhanh chóng những tiến bộ mới sẽ là thách thức suốt đời đối với thế hệ hiện tại và tương lai. Ðiều đó cũng đặt ra mối quan ngại khác về an ninh mạng và an toàn giáo dục kỹ thuật số khi Thế hệ Beta lớn lên, đặc biệt những tác động tiềm ẩn ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sáng tạo và tư duy phản biện. Theo đó, trẻ em có quyền truy cập vào các mô hình AI tiên tiến sẽ nhận hỗ trợ tốt hơn trong khi trẻ sử dụng hệ thống kém tin cậy đối mặt nguy cơ bị tụt hậu.
Không chỉ định nghĩa lại kiến thức và các mối quan hệ, AI chắc chắn góp phần vào các vụ án tội phạm mạng khi gia tăng nguy cơ tiếp xúc nội dung không phù hợp, vi phạm quyền riêng tư hay bắt nạt trên mạng ở Gen Beta. Hồi năm 2023, một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết cứ 5 học sinh biết về trợ lý trò chuyện ảo ChatGPT thì có 1 em đã biết sử dụng nó để hỗ trợ trong học tập. Chia sẻ cụ thể hơn, Ashok Khadka đến từ Nepal đã nói về cách cháu trai 7 tuổi của mình thường xuyên sử dụng ChatGPT để làm bài tập về nhà và các nhiệm vụ khác. Gần đây, cháu trai của anh đã yêu cầu ChatGPT cung cấp "những trò chơi điện tử hay nhất" và nhận được hàng loạt gợi ý không phù hợp. "Nếu một đứa trẻ 11 tuổi dễ bị tội phạm mạng tấn công ngày hôm nay, thì chẳng phải trẻ em chỉ mới 8 hoặc 9 tuổi càng dễ bị tấn công hơn trong tương lai" - Tiến sĩ Lina Gurung tại Ðại học Kathmandu (Nepal) cảnh báo.
Nói chung, việc tích hợp AI vào cuộc sống hàng ngày là điều không thể tránh khỏi bởi ngay cả những tìm kiếm đơn giản trên Google hiện nay cũng bao gồm các bản tóm tắt do AI tạo ra. Vì vậy, trả lời câu hỏi liệu Gen Beta có được trao quyền bởi tiềm năng của AI hay bị tổn hại bởi những rủi ro của nó sẽ phụ thuộc vào cách chúng ta chuẩn bị cho các em ngày hôm nay. Trong đó, điều quan trọng nhất để đảm bảo AI đem tới cơ hội thay vì "bẫy" Gen Beta là hành động ngay lập tức của các bên liên quan, đây cũng là lý do thúc đẩy nhiều quốc gia sửa đổi chính sách và sớm thực hiện những thay đổi cần thiết để thích ứng sự phát triển công nghệ.
MAI QUYÊN (Theo MSN, Business Insider)