Trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại thứ hai với Trung Quốc sau khi nhậm chức vào ngày 20-1 tới, đất hiếm - loại khoáng sản giữ vai trò thiết yếu trong sản xuất đồ điện tử, xe cộ và vũ khí - dự kiến sẽ bị cuốn vào cuộc chiến này.
Mỏ khai thác đất hiếm Mountain Pass của Mỹ. Ảnh: NYT
Ðược biết, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump từng ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm mở rộng sản xuất các nguyên tố đất hiếm. Sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong ngành công nghiệp khai khoáng và chỉ đạo Bộ Nội vụ Mỹ xem xét sử dụng Ðạo luật sản xuất quốc phòng để đẩy nhanh phát triển các mỏ đất hiếm. Do đó, giới phân tích lo ngại ông Trump có thể viện dẫn Ðạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế để áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu khoáng sản như đất hiếm hoặc chỉ đạo Bộ Thương mại Mỹ mở cuộc điều tra về những tác động đối với an ninh quốc gia của các mặt hàng nhập khẩu như vậy, giống như cách ông từng làm đối với nhôm hồi năm 2018.
Theo ước tính của Cục Khảo sát Ðịa chất Mỹ và Cơ quan Năng lượng Quốc tế, mặc dù đất hiếm có nhiều trên bề mặt Trái đất nhưng Trung Quốc hiện khai thác 70% quặng đất hiếm và chế biến tới 90% quặng đất hiếm trên toàn thế giới.
Tính nhạy cảm của chuỗi cung ứng đất hiếm đã trở thành mối lo ngại đối với các chính phủ trên toàn thế giới trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng. Theo đài Al Jazeera, Trung Quốc hồi tháng rồi đã cấm xuất khẩu gali, germani và antimon sang Mỹ sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố lệnh hạn chế mới nhất đối với việc bán chip và máy móc tiên tiến cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ðộng thái này đánh dấu sự leo thang trong việc Trung Quốc sử dụng đất hiếm như một công cụ để đạt được lợi thế địa chính trị sau khi Bắc Kinh hồi tháng 10-2024 tuyên bố đất hiếm là tài sản quốc gia và cấm xuất khẩu các công nghệ được dùng để chiết xuất và bóc tách loại khoáng sản này vào cuối năm ngoái.
Thật ra, đây không phải lần đầu Trung Quốc cấm xuất khẩu đất hiếm. Trước đó, Trung Quốc hồi năm 2010 cũng đã tạm thời cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong bối cảnh Bắc Kinh và Tokyo căng thẳng vì tranh chấp biên giới trên biển. Song, việc ông Trump dọa áp mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu và mức thuế lên tới 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc có thể khiến Bắc Kinh tiếp tục hạn chế xuất khẩu đất hiếm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng ngay cả khi Chính phủ Trung Quốc không trả đũa Mỹ bằng lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm thì bước đi nói trên của ông Trump cũng có khả năng khiến loại khoáng sản này trở nên đắt đỏ hơn nhiều. “Trong vòng 12-18 tháng tới, bối cảnh địa chính trị toàn cầu sẽ đầy rẫy những yếu tố bất ngờ, có thể tác động đáng kể đến triển vọng chuỗi cung ứng và nền kinh tế thế giới” - Ryan Castilloux, Giám đốc công ty tư vấn thị trường đất hiếm Adamas Intelligence (Canada), dự báo. Theo ông Castilloux, Washington đặc biệt quan ngại việc Trung Quốc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với các loại đất hiếm như neodymi, praseodymi, dysprosi và terbi, vốn được dùng để sản xuất nam châm NdFeB thường được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như hàng không, điện tử, máy móc thiết bị điện… Ông Castilloux cho hay đất hiếm và các sản phẩm hoàn thiện như nam châm đất hiếm được coi là “điểm yếu đối với các nhà sản xuất và ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ”, bởi Washington và đồng minh vẫn chưa phát triển được nguồn cung thay thế.
Trước tình hình đó, Mỹ đã đưa việc thiết lập “chuỗi cung ứng từ mỏ đến nam châm bền vững” lên hàng đầu. Kể từ năm 2022, Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng Mỹ đã “rót” hơn 440 triệu USD vào các công ty khai thác đất hiếm. Mike Walden, giám đốc cấp cao công ty tư vấn chuyên về chuỗi cung ứng điện tử TechCet, cho rằng động thái này có thể giúp Mỹ vượt qua “cơn bão” nếu Trung Quốc cắt giảm xuất khẩu đất hiếm.
Trong nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc, nhiều nước đã có chiến lược riêng cho mình. Đơn cử, mỏ đất hiếm đầu tiên của Brazil hồi tháng 1-2024 đã mở cửa sản xuất thương mại sau 15 năm phát triển. Trong khi đó, châu Âu có các cơ sở chế biến đất hiếm tại Pháp, Estonia và Đức. Về phần mình, Úc cũng có nhiều cơ sở khai thác và chế biến đất hiếm. Hiện Canberra đang đổ thêm hàng trăm triệu USD để thúc đẩy việc khai thác và chế biến loại khoáng sản này.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)