12/01/2025 - 08:53

Bài thuốc y học cổ truyền hỗ trợ tiêu hóa 

Ngày Tết, thông thường mâm cơm gia đình cũng như các bàn tiệc đều thịnh soạn hơn. Việc dung nạp thức ăn đột ngột gia tăng cả về lượng và chất trong những ngày này khiến hệ tiêu hóa quá tải dẫn đến các rối loạn, ảnh hưởng sức khỏe. Bác sĩ y học cổ truyền (YHCT) Trường Đại học Y Dược Cần Thơ chia sẻ những khuyến cáo hữu ích về chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp phòng ngừa và điều trị các vấn đề tiêu hóa.

ThS.BS Nguyễn Ngọc Chi Lan, Phó trưởng Khoa YHCT Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ảnh: BV

Tỳ - vị mất cân bằng

Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Chi Lan, Phó trưởng Khoa YHCT Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính (như đái tháo đường) và trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa nhạy cảm, sức đề kháng yếu hơn nên dễ gặp các vấn đề tiêu hóa hơn khi có sự thay đổi đột ngột trong chế độ ăn uống.

Theo YHCT, hệ tiêu hóa hoạt động tốt khi tỳ và vị - 2 tạng chính phụ trách chuyển hóa thức ăn thành năng lượng - ở trạng thái cân bằng. Dịp Tết, việc ăn quá nhiều các món chiên rán, đồ ngọt, nước uống có gas hoặc món ăn lạnh như nem chua, gỏi... ảnh hưởng chức năng tỳ và vị, dẫn đến đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón. Ngoài ra, việc ăn quá nhiều các món tính dương (nóng) như bánh tét chiên, thịt kho, bánh kẹo hoặc các món tính âm (lạnh) như nước uống có đá, đồ nguội cũng có thể làm cơ thể mất cân bằng. Để khắc phục, có thể ăn kèm các món có tính ấm như canh gừng hoặc uống trà nóng để hỗ trợ làm ấm cơ thể và giảm nguy cơ đau bụng, tiêu chảy. Cần tránh để trẻ uống nước lạnh hoặc ăn đồ nguội. Có thể massage bụng nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ để giảm khó chịu và giúp khí huyết lưu thông tốt hơn.

Bên cạnh chế độ ăn uống, YHCT khuyến khích kết hợp các phương pháp đơn giản như xoa bóp, bấm huyệt để hỗ trợ hệ tiêu hóa. Việc xoa bụng nhẹ nhàng hoặc bấm huyệt trung quản (vị trí dưới mỏm xương ức khoảng 4 đốt ngón tay) và túc tam lý (vị trí dưới đầu gối 3 đốt ngón tay) có thể giúp giảm đầy hơi, khó tiêu. Người cao tuổi và người bệnh mạn tính có thể thực hiện các bài tập dưỡng sinh hoặc hít thở sâu buổi sáng để giúp kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa và tăng cường sức khỏe tổng thể. Trẻ nhỏ cần được khuyến khích vận động nhẹ nhàng sau bữa ăn để tránh đầy bụng, khó tiêu.

Một số bài thuốc ấm bụng - dễ tiêu

Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Chi Lan, thời tiết Tết thường lạnh hơn, cơ thể rất dễ bị mất cân bằng âm - dương, nhất là dương khí suy giảm khiến hệ tiêu hóa và hệ hô hấp bị tổn thương. Một số bài thuốc dân gian đơn giản có thể cải thiện tình trạng này như nước gừng mật ong hoặc trà vỏ quýt. Hãm 3-4 lát gừng tươi trong nước sôi và thêm 1 thìa mật ong giúp làm ấm bụng, hỗ trợ tiêu hóa, giảm buồn nôn và đầy hơi. Trà vỏ quýt khô (trần bì) nấu cùng nước ấm khoảng 10 phút cũng là lựa chọn tốt để chống khó tiêu, đầy hơi, lạnh bụng. Trà hoa cúc (cam thảo) không chỉ làm dịu hệ tiêu hóa mà còn giúp thư giãn tinh thần và làm ấm nhẹ cơ thể.

Một số thức uống thảo dược có thể giúp làm ấm phổi và tăng cường đề kháng: trà tía tô gừng, nước chanh mật ong ấm… Nước chanh mật ong ấm bổ sung vitamin C, làm dịu cổ họng và giúp cơ thể chống lại vi khuẩn, virus trong mùa lạnh. Ngoài ra, nước lê hấp gừng mật ong vừa thơm ngon vừa giúp làm ấm phổi, tiêu đờm, hỗ trợ giảm ho. Các món ăn bổ dưỡng như cháo gạo lứt đậu đỏ gừng tươi hoặc canh gà hầm thuốc bắc, hoặc canh gà hầm ngải cứu cũng rất tốt để giữ ấm cơ thể và nâng cao sức khỏe.

Trong YHCT, hơi thở đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí huyết và giữ cân bằng âm - dương. Việc tập thở đúng cách giúp làm ấm cơ thể, giảm triệu chứng khó tiêu, đầy bụng, đồng thời tăng cường chức năng phổi và hệ miễn dịch. Có thể kết hợp xoa bóp, bấm huyệt và tập thở. Ngoài ra, xông hơi bằng thảo dược như lá tía tô, gừng, sả và lá chanh giúp đẩy khí lạnh, làm ấm cơ thể và phòng ngừa bệnh hô hấp. Đun sôi nước thảo dược, dùng khăn trùm kín xông trong 10 phút, sau đó lau khô người và tránh gió để giữ ấm. Các phương pháp này đơn giản nhưng hiệu quả. Nếu không có thuốc thảo dược tươi, có thể dùng thuốc khô, hoặc các loại tinh dầu thành phẩm.

BS Chi Lan cũng khuyến cáo trường hợp rối loạn tiêu hóa cần đến bệnh viên: đau bụng dữ dội hoặc đau liên tục, không thuyên giảm; nôn ói nhiều lần hoặc nôn ra máu; đi ngoài phân lỏng kéo dài hoặc phân có máu; sốt cao không hạ (>38,5°C); bụng trướng căng, không trung tiện được; dấu hiệu mất nước nghiêm trọng, đặc biệt nguy hiểm ở người cao tuổi và trẻ em; người có bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận.

THU SƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết