09/01/2025 - 15:07

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào đồng chủ trì Kỳ họp lần 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào 

Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 9-1, ngay sau khi tới thủ đô Viêng Chăn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Tham dự Kỳ họp có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Phó Thủ tướng Lào Saleumxay Kommasith; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam Phet Phomphiphak; các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước.

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam sang thăm và tham dự kỳ họp.

Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết năm 2024 kinh tế - xã hội của Lào tiếp tục đà phục hồi, phát triển, trong đó tăng trưởng kinh tế đạt 4,6%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao; Lào đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN 44 và 45. Thủ tướng Sonexay Siphandone khẳng định trong thành công của Lào có sự hỗ trợ vô tư trong sáng của Việt Nam; đồng thời cảm ơn Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc giúp Lào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phù hợp với điều kiện sở tại.
Vui mừng trong chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam trong năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo, nồng hậu và thắm tình đoàn kết anh em mà Thủ tướng Sonexay Siphandone và Chính phủ Lào đã dành cho đoàn Đại biểu Việt Nam.

Chúc mừng kết quả phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng của Lào và đảm nhiệm thành công Chủ tịch ASEAN và Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) 2024, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2024 tiếp tục phục hồi tích cực, đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tăng trưởng GDP cả năm đạt 7,09%; lạm phát được kiểm soát; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhận thấy trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song nhờ quán triệt sâu sắc chỉ đạo của hai Bộ Chính trị, cùng nỗ lực, quyết tâm cao của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương, hai nước đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các Thỏa thuận cấp cao, mang lại nhiều thành tựu trong hợp tác giữa hai bên, góp phần cùng nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, nhiều kết quả nổi bật rất đáng ghi nhận.

Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, gắn bó tin cậy, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể quan hệ hai nước; hỗ trợ, giúp đỡ nhau một cách hiệu quả trên các diễn đàn hợp tác đa phương quốc tế và khu vực; Ủy ban liên Chính phủ, do hai Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu chủ trì, tiếp tục phát huy hiệu quả, thúc đẩy triển khai các thỏa thuận hợp tác trên mọi lĩnh vực.

Hợp tác quốc phòng, an ninh chặt chẽ, thực hiện tốt việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước; xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển toàn diện; phòng chống hiệu quả các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia.

Năm 2024, hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư được quan tâm, thúc đẩy, và thu được những kết quả rất đáng ghi nhận: Lũy kế đến nay, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào 267 dự án tại Lào, với tổng vốn đăng ký là 5,7 tỉ USD; vốn thực hiện đạt khoảng 2,8 tỉ USD.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục đối mặt với khó khăn, nhu cầu tiêu dùng suy giảm, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Lào năm 2024 ghi dấu ấn khi tổng kim ngạch thương mại hai nước vượt ngưỡng 2,2 tỉ USD, tăng 33,9% so với năm 2023, trong đó đáng ghi nhận là Lào đã xuất siêu sang Việt Nam khoảng 732,7 triệu USD. Đạt được kết quả này có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào.

Tại phiên họp, hai bên cũng rà soát, đánh giá kết quả và thảo luận, nhằm tiếp tục khơi thông, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là đối với các dự án: Bệnh viện hữu nghị Việt - Lào tại Lào; cảng Vũng Áng số 1, 2, 3 tại Việt Nam; sản xuất, mua - bán điện giữa hai nước; các dự án đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng; khai thác, chế biến mỏ Kali tại Lào; kết nối du lịch “một hành trình - ba điểm đến” Việt Nam - Lào - Campuchia; thúc đẩy sử dụng đồng tiền quốc gia của hai nước; dự án Công viên Hữu nghị Việt - Lào tại Viêng Chăn; xây dựng hệ thống quản lý dân cư, căn cước công dân…

Trên cơ sở đó, hai bên thống nhất tập trung thực hiện tốt các Tuyên bố chung; Thỏa thuận ký kết tại Kỳ họp 47; đề ra nhiều biện pháp mạnh mẽ, thiết thực để tiếp tục đưa quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước đi vào chiều sâu; tăng cường trụ cột hợp tác quốc phòng - an ninh; tiếp tục dành ưu tiên đặc biệt cho hợp tác giáo dục - đào tạo.

Hai bên nhất trí tăng cường thúc đẩy, đưa quan hệ chính trị, ngoại giao đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao hơn nữa, định hướng tổng thể quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào; duy trì và nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác; tổ chức có hiệu quả các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao với nhiều hình thức linh hoạt; cải tiến và nâng cao tính thiết thực, hiệu quả hợp tác ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương; hợp tác chặt chẽ về quốc phòng, an ninh; xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển toàn diện.

PHẠM TIẾP

Chia sẻ bài viết