Tại Kiên Giang, kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên, sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn nhiều khó khăn. Ðể phát triển đòi hỏi cần cơ chế đặc thù thay vì chỉ có chính sách ưu tiên.
Đoàn công tác của Hội Nông dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang tham quan trạm bơm điện tại Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ.
Cánh đồng lúa chất lượng cao của 330 hộ thành viên Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Kênh 7A, xã Thạnh Ðông A (Tân Hiệp) gieo sạ dứt điểm 640ha đã 3 tuần nay với 95% diện tích canh tác giống Ðài Thơm 8, còn lại là OM 5451. Ðang vận hành trạm bơm điện xiết nước cho đợt bón phân đầu tiên trong vụ đông xuân 2024-2025, ông Vũ Thế Hùng, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Kênh 7A, xã Thạnh Ðông A (huyện Tân Hiệp), cho biết: “HTX không có tài sản thế chấp nên khó tiếp cận vốn tín dụng để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Chi phí về giống lúa chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất. Mong các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ máy sàng lọc lúa giống để HTX tự cung tự cấp, giảm trung gian, tăng lợi nhuận cho thành viên”.
Với tiền đề đã tham gia dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT, HTX nông nghiệp Kênh 7A được tỉnh chọn tham gia đề án phát triển 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030 (Ðề án 1 triệu héc-ta). Ðể góp phần thực hiện thành công đề án trên, ông Vũ Thế Hùng cho rằng, ngành chuyên môn cần tăng cường tập huấn cho nông dân về canh tác lúa giảm phát thải, đồng thời, hỗ trợ mời gọi doanh nghiệp uy tín liên kết tiêu thụ lúa hàng hóa, tránh tình trạng phải bán qua “cò” lúa hoặc doanh nghiệp chậm thanh toán cho nông dân như những năm qua.
Tại huyện Giồng Riềng, HTX nông nghiệp Ðường Gỗ Lộ là một trong những HTX đầu tiên của huyện có sản phẩm lúa được chứng nhận VietGAP và sản phẩm gạo DS1 được xếp hạng OCOP 3 sao. Ðây cũng là HTX được tỉnh chọn tham gia thực hiện đề án 1 triệu héc-ta. Với quy trình canh tác lúa an toàn, đồng ruộng giảm hóa chất độc hại liên tục 4 năm nay, HTX nông nghiệp Ðường Gỗ Lộ được một doanh nghiệp đặt hàng sản xuất lúa hữu cơ. Tuy nhiên, theo ban quản trị HTX này, vấn đề khó khăn của HTX là thành viên còn ngần ngại chuyển sang canh tác lúa hữu cơ bởi chi phí cao, từ 15-17 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất thông thường từ 9-10 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Hồng Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp Ðường Gỗ Lộ, nói: “Ðể thành viên hưởng ứng sản xuất theo hướng hữu cơ trong khi chưa có cơ chế hỗ trợ từ địa phương và ngành Nông nghiệp, Ban Giám đốc phải làm gương đi đầu, đợi có hiệu quả bà con mới chuyển đổi theo”.
Ðến tháng 11-2024, toàn tỉnh có 531 HTX, 2.272 tổ hợp tác, trong đó có 23 HTX và 7 tổ hợp tác có sản phẩm OCOP. Theo ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang, ngoài khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay của các địa phương là khó bố trí người tham gia quản lý, điều hành HTX. “Ðây là nút thắt mà chúng tôi đã tháo gỡ trong thời gian qua nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn bởi vì Luật HTX năm 2023 không có quy định tiêu chuẩn về trình độ, tuổi tác đối với người tham gia lãnh đạo HTX”, ông Trần Thanh Dũng nói.
Thực hiện đề án 1 triệu héc-ta, vụ lúa đông xuân 2024-2025, đến tháng 12-2024, tỉnh triển khai thực hiện 12 mô hình thí điểm tại 12 huyện, thành phố, diện tích 50 ha/điểm với 102 HTX tham gia. “Ðể phục vụ cho Ðề án 1 triệu héc-ta, việc tổ chức lại hệ thống sản xuất, đầu tư hệ thống kênh mương tưới tiêu là yếu tố quan trọng nhằm áp dụng tưới ướt khô xen kẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính. Về vấn đề này, tỉnh đã có đề xuất dự án cơ sở hạ tầng carbon thấp để xây dựng thủy lợi nội đồng, trạm bơm tưới tập trung cho 12 huyện tham gia đề án, dự kiến thực hiện ở giai đoạn 2026-2030”, ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết.
Ngoài thành lập 116/116 tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn các xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức hội nghị truyền thông cấp huyện, xã để triển khai đề án và chính sách đầu tư hỗ trợ mô hình tại 12 huyện tham gia đề án. Tổ chức chuyển giao quy trình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp cho nông dân trong và ngoài mô hình; đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp trình diễn thiết bị sạ cụm kết hợp vùi phân nhằm thực hiện tốt việc giảm giống và tăng hiệu quả sử dụng phân bón theo quy định và hỗ trợ dụng cụ đo mức nước ống cảm biến tưới khô xen kẽ (AWD).
Bài, ảnh: AN LÂM