14/04/2024 - 08:31

Ấn Ðộ trỗi dậy dưới thời Thủ tướng Modi 

Cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ sẽ bắt đầu từ ngày 19-4 và dự kiến mất 44 ngày để hoàn thành trước khi kết quả được công bố vào ngày 4-6. Hầu hết khảo sát đều dự đoán chiến thắng của đảng cầm quyền Bharatiya Janata (BJP), qua đó cho phép Thủ tướng Narendra Modi tiếp tục thêm nhiệm kỳ thứ 3 với vị thế là một trong những nhà lãnh đạo được lòng dân và có ảnh hưởng nhất đất nước.

Thủ tướng Modi đang trong chiến dịch vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. Ảnh: The Hindu

Khi lần đầu tiên nhậm chức vào năm 2014, Thủ tướng Modi tiếp quản một nền kinh tế đang vật lộn với nhiều thách thức, bao gồm cuộc khủng hoảng đồng rupee làm tăng lạm phát và đe dọa nền tài chính công, thị trường chứng khoán suy thoái trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm. Ngân hàng Morgan Stanley thậm chí đưa Ấn Độ vào danh sách “Fragile Five” (tạm dịch: Bộ Ngũ Mỏng manh) - khái niệm dùng để chỉ các nền kinh tế mới nổi đang đứng trước những rủi ro lớn với tăng trưởng giảm tốc và những mối đe dọa từ diễn biến của kinh tế toàn cầu.

Bứt phá tăng trưởng

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Modi đã đưa Ấn Độ vượt qua Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào năm 2021. Trong 3 tháng cuối năm 2023, báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết GDP của Ấn Độ tăng 8,4%, vượt xa 10 nền kinh tế hàng đầu khác trên thế giới. Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings còn dự báo, Ấn Độ có thể duy trì vị thế nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất trong ít nhất 3 năm tới. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này giúp quốc gia Nam Á trở thành một “ngoại lệ” trong số các nền kinh tế lớn. Ở năm tài chính hiện tại, số liệu thống kê chính thức dự đoán mức tăng trưởng của Ấn Độ đạt 7,3%. Tờ New York Times cho biết một số ngân hàng đầu tư lớn như Morgan Stanley, JPMorgan Chase đang gấp rút nâng tỷ trọng của Ấn Độ trong chỉ số chứng khoán và trái phiếu toàn cầu. Bởi theo quỹ đạo trên, Ấn Độ có thể vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2030.

Phần lớn sự tăng trưởng của Ấn Độ phụ thuộc vào nhóm có thu nhập cao nhất, nhưng cuộc sống ở những huyện nghèo nông thôn cũng cải thiện nhờ chương trình phúc lợi được mở rộng. Theo đó, trong thời gian nắm quyền, Thủ tướng Modi đã nỗ lực phân phối nguồn lực liên bang đến những vùng nghèo nhất đất nước thông qua các chương trình nhà ở nông thôn, phổ cập thanh toán không tiền mặt, trợ cấp lương thực và khí đốt cũng như xây nhà vệ sinh. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Ấn Độ vẫn là quốc gia cực kỳ nghèo trên nhiều thước đo, nhưng tỷ lệ người dân sống trong tình trạng nghèo cùng cực đang giảm dần. Cụ thể, tỷ lệ người dân có mức sống dưới 2,15 USD/ngày đã giảm từ 22,91% trong năm 2011 xuống 12,92% vào năm 2021. Các cuộc khảo sát quốc tế cũng cho thấy người tiêu dùng quốc gia Nam Á lạc quan hơn nhiều khu vực khác trong bối cảnh nền kinh tế lớn gần gấp đôi so với trước, số người có đủ tài sản và ham muốn đầu tư mạo hiểm cũng tăng vọt từ 2% lên gần 5% khi giá trị thị trường chứng khoán Ấn Độ tăng gấp 3 lần.

Đạt những thành tựu này, Giáo sư kinh tế chính trị vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Tài chính Ấn Độ Arvind Panagariya cho biết Thủ tướng Modi đã có những cải cách quan trọng về thuế, luật phá sản và bất động sản. Ấn Độ cũng có bước nhảy vọt về kỹ thuật số trên diện rộng, đặc biệt là trong các giao dịch ngân hàng và kinh doanh. Một trong những “chất xúc tác” quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nữa là nỗ lực của chính phủ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Theo thông tin đăng trên trang web chính thức của Thủ tướng Modi hồi tháng 2, Ấn Độ đã xây mới hơn 25.000km đường ray và hơn 55.000km đường cao tốc trong thập kỷ qua. Năm 2024, chính phủ cam kết tăng 11% chi tiêu vốn lên khoảng 134 tỉ USD cho các hạng mục quan trọng như đường bộ, đường sắt, cảng và sân bay.

Theo Giáo sư Panagariya, đây là khoản đầu tư hợp lý và quan trọng nếu Ấn Độ muốn đạt các mục tiêu kinh tế. Trước đó, báo cáo cho biết chất lượng của các cơ sở hạ tầng mới phối hợp chiến lược “kết nối bạn bè” trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đã giúp thu hút dòng vốn FDI vào Ấn Độ. Những tập đoàn đa quốc gia chủ chốt như Apple hay Samsung Electronics cũng tìm đến quốc gia Nam Á để mở rộng dây chuyền sản xuất giữa thời điểm thế giới có nhiều biến động. Hồi tháng 2, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman xác nhận vốn FDI tính từ khi ông Modi lên nắm quyền đã đạt gần 600 tỉ USD, gấp đôi dòng tiền nhận được trong thập kỷ trước. Năm 2019, Ấn Độ cũng có bước nhảy vọt đáng kể về chỉ số thuận lợi kinh doanh của WB khi vươn lên vị trí 63 từ thứ bậc 142 của năm 2014. Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp, đưa quốc gia trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Từ số lượng vài trăm vào năm 2014, Ấn Độ năm 2022 đã có hơn 74.000 công ty khởi nghiệp. Các số liệu mới khác cho thấy, số lượng kỳ lân ở Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ tính đến cuối năm 2023 lần lượt là 712, 316 và 111.

Bài toán thu nhập thấp và tham vọng của ông Modi

Trong bầu không khí tích cực về kinh tế, Ấn Độ đang đối mặt thách thức đáng kể trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Theo ước tính, gần 2/3 người dân nước này sống phụ thuộc vào nghề nông nhưng tỷ trọng nông nghiệp trong GDP đã giảm từ 35% trong năm 1990-1991 xuống còn 15% trong năm tài chính 2022-2023. Ấn Độ cũng đang vật lộn với với tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt ở nhóm dân số trẻ. Theo báo cáo của Trung tâm Giám sát Kinh tế có trụ sở tại Mumbai, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Ấn Độ ở mức 45,4% trong năm tài chính 2022-2023, cao gấp 6 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước là 7,5%.

Ngoài ra, dữ liệu từ của Viện nghiên cứu bất bình đẳng thế giới cho biết “kỷ nguyên vàng” ngày nay của các tỉ phú Ấn Độ đã “tạo đà” cho tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở nước này tăng vọt, cả về thu nhập và khoảng cách giàu nghèo. Tình trạng này thậm chí nghiêm trọng hơn ở Mỹ, Brazil và Nam Phi. Tính theo thu nhập bình quân đầu người, Ấn Độ là nước nghèo nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20). So với GDP bình quân đầu người khoảng 12.000 USD của nhóm nước thu nhập trung bình theo tiêu chuẩn của WB, con số này của Ấn Độ chỉ khoảng 2.000 USD, thấp hơn những nước láng giềng như Sri Lanka (3.815 USD) và Bangladesh (2.940 USD)

Tuy nhiên, theo các cuộc thăm dò dư luận, Thủ tướng Modi được dự đoán thắng lớn trong khi đảng cầm quyền BJP có thể giành được gần 3/4 số ghế trong quốc hội. Nếu giữ chức thủ tướng đủ 3 nhiệm kỳ (tức tổng cộng 15 năm cho đến năm 2029), ông Modi sẽ trở thành thủ tướng có thời gian tại vị lâu thứ 3 tại Ấn Độ. Ông Jawaharlal Nehru, thủ tướng đầu tiên của nước này, tại nhiệm trong 16 năm 9 tháng. Con gái ông, bà Indira Gandhi, giữ chức thủ tướng tổng cộng khoảng 15 năm 350 ngày dù không liên tục.

Phát biểu trong các chiến dịch vận động, Thủ tướng Modi nói rõ ông cần tiếp tục nắm quyền để thực hiện các biện pháp đưa Ấn Độ hướng tới một nền kinh tế phát triển vào năm 2047, khi nước này kỷ niệm năm thứ 100 giành độc lập. Để thực hiện mục tiêu đó, Thủ tướng Modi yêu cầu các quan chức đến tháng 5 hoàn tất các kế hoạch mở rộng nền kinh tế từ khoảng 3.510 tỉ USD hiện nay lên hơn 6.000 tỉ USD vào năm 2030. Chính quyền ông Modi cũng kỳ vọng tăng gấp đôi tỷ trọng xuất khẩu của Ấn Độ trong thương mại toàn cầu lên hơn 4% với mục tiêu nâng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ lên 1.580 tỉ USD từ mốc 700 tỉ USD. Ấn Độ cũng đặt ra mục tiêu thu hút 100 tỉ USD vốn FDI hàng năm. Mục tiêu này đầy tham vọng so với mức trung bình hàng năm là hơn 70 tỉ USD vốn FDI trong 5 năm tính đến tháng 3-2023, đồng thời là một sự đảo ngược xu hướng sau sự suy giảm của năm ngoái.

Chính phủ Ấn Độ còn có kế hoạch tập trung cải tiến 70 lĩnh vực bao gồm kỹ năng làm việc và đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên bằng cách mở ra khả năng khởi nghiệp. Các biện pháp này được kỳ vọng tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động từ 46% hiện nay lên hơn 50%; đồng thời giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 5%. Ngoài ra, trong 5 năm tới, Thủ tướng Modi muốn tăng tỷ lệ người biết chữ từ 78% hiện nay lên 82% và nâng thu nhập bình quân đầu người lên 4.418 USD.

Hiến pháp Ấn Độ không giới hạn nhiệm kỳ đối với chức vụ thủ tướng. Dù vậy, ngoại trừ vị thủ tướng đầu tiên Jawaharlal Nehru, chưa từng có ai nắm giữ vai trò này hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Trong khi đó, quy định về hưu ở tuổi 75 của BJP không phải là quy định chính thức. Như vậy, nếu BJP giành chiến thắng và giúp Thủ tướng Modi tiếp tục tại nhiệm, nhà lãnh đạo này sẽ chạm mốc tuổi về hưu theo quy định bất thành văn của đảng là 75 tuổi vào tháng 9-2025. Giới quan sát cho rằng ông Modi rất có khả năng thực hiện quy định của BJP và đang chuẩn bị chuyển giao cho người kế nhiệm.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết