08/05/2025 - 08:40

Ấn Ðộ - Pakistan trước bờ vực chiến tranh tổng lực 

Quân đội Ấn Độ đã mở chiến dịch không kích nhằm vào cái gọi là “cơ sở hạ tầng khủng bố” ở Pakistan, trong một động thái leo thang nghiêm trọng giữa hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Một tòa nhà ở gần Muzaffarabad thuộc khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát bị hư hại sau cuộc không kích của Ấn Ðộ hôm 7-5. Ảnh: AP

Sáng 7-5, quân đội Ấn Độ xác nhận đã tiến hành “các vụ không kích chính xác” trong khuôn khổ “Chiến dịch Sindoor” nhằm vô hiệu hóa 9 địa điểm trên lãnh thổ Pakistan và khu vực do Islamabad kiểm soát ở vùng tranh chấp Kashmir. Ấn Độ gọi đây là “các cơ sở khủng bố” và là trung tâm lập kế hoạch, chỉ đạo vụ tấn công Ấn Độ trước đó. Thông báo cũng khẳng định “không cơ sở quân sự nào của Pakistan bị tấn công”.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nêu rõ những bước đi này nhằm trả đũa vụ khủng bố ở thị trấn Pahalgam hồi tháng 4, khiến 26 người thiệt mạng. Thị trấn này thuộc vùng Jammu và Kashmir do Ấn Độ quản lý. Phía New Delhi cáo buộc Islamabad có liên quan đến vụ tấn công, điều mà Pakistan đến nay vẫn bác bỏ.

Quân đội Pakistan cho biết ít nhất 26 dân thường đã thiệt mạng và 46 người bị thương sau cuộc tập kích của Ấn Độ - hành động xâm phạm sâu nhất vào lãnh thổ quốc gia láng giềng kể từ cuộc chiến giữa hai nước hồi năm 1971. Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif cho biết nước này cũng đã bắn hạ 5 máy bay Ấn Độ, trong đó có 3 tiêm kích Rafale trị giá khoảng 100 triệu USD. Ông Asif còn nói toàn bộ mục tiêu bị Ấn Độ tấn công là cơ sở dân sự, không phải “hạ tầng khủng bố”.

Trước đó, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif tuyên bố Islamabad đang đưa ra “phản ứng mạnh mẽ” trước những gì mà theo ông là “một hành động chiến tranh” từ phía Ấn Độ. Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Thủ tướng Sharif nhấn mạnh Pakistan có mọi quyền đáp trả quyết liệt đối với hành động của Ấn Độ.

Lịch sử xung đột Ấn Độ - Pakistan

Hành động quân sự hôm 7-5 cho thấy sự miễn cưỡng của Ấn Độ và Pakistan trong việc leo thang xung đột, theo giới phân tích.

“Mọi thứ có thể mất kiểm soát. Đó là điều mà giới lãnh đạo chính trị ở cả hai bên đều lưu tâm. Nhưng nếu nhìn vào các cuộc xung đột liên tục trong 3 thập niên qua kể từ khi Ấn Độ và Pakistan sở hữu vũ khí hạt nhân vào năm 1998, thì cả hai nước này đều tỏ ra kiềm chế”, bà Rajeswari Pillai Rajagopalan, thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, nhận định. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, nguy cơ leo thang hiện nay cao hơn so với quá khứ gần đây do mức độ nghiêm trọng của “Chiến dịch Sindoor”.

Chiến dịch oanh tạc mới nhất của Ấn Độ vào Pakistan đã nâng tổng số cuộc giao tranh lớn giữa hai nước Nam Á này lên thành 7 kể từ năm 1947.

Vài tháng sau khi tiểu lục địa Ấn Độ thoát khỏi sự cai trị của Anh và được chia thành hai quốc gia độc lập là Ấn Độ và Pakistan trong năm 1947, hai quốc gia non trẻ này đã bùng phát chiến tranh nhằm giành quyền kiểm soát vùng Kashmir trên dãy Himalaya. Lần gần nhất hai bên tiến gần một cuộc chiến tranh toàn diện là vào năm 2019, sau khi một kẻ đánh bom tự sát làm chết 40 binh sĩ Ấn Độ ở Kashmir. Ấn Độ đổ lỗi cho Pakistan và tiến hành các cuộc không kích đầu tiên trên đất Pakistan kể từ Chiến tranh Đông Pakistan năm 1971. Pakistan trả đũa bằng cách bắn hạ 1 máy bay phản lực Ấn Độ và bắt giữ phi công. Người này sau đó được thả và căng thẳng đã lắng xuống.

Tương quan lực lượng

Xét về số lượng hiện nay, Ấn Độ có lực lượng không quân mạnh hơn Pakistan. Với khoảng 2.300 máy bay và 135.000 quân nhân đang tại ngũ, Không quân Ấn Độ (IAF) là lực lượng không quân lớn thứ tư thế giới và thường nằm trong tốp 5 trên toàn cầu về hiệu quả.

Tuy nhiên, tương tự Không quân Pakistan (PAF), IAF vẫn chưa có máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Bù lại, IAF sở hữu nhiều máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư đáng tin cậy mặc dù không tiêm kích nào có khả năng tàng hình. Điều này khiến việc phát động các hoạt động tấn công trong không phận đối thủ trở nên cực kỳ khó khăn. IAF từ lâu đã được hiệu chỉnh theo hướng phòng thủ hơn là tấn công.

Trong khi đó, Pakistan có phi đội máy bay quân sự lớn thứ bảy trên thế giới. PAF quản lý một trong 10 đội máy bay hàng đầu thế giới. Với 1.434 máy bay quân sự và khoảng 70.000 quân nhân đang phục vụ, PAF đủ sức bảo vệ hiệu quả lãnh thổ Pakistan.

Đội bay chủ lực của PAF là 75 chiếc F-16 Fighting Falcon nhập khẩu từ Mỹ. F-16 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư với khả năng đa nhiệm. PAF cũng không có máy bay tàng hình và máy bay ném bom chiến lược.

Yếu tố làm phức tạp cuộc chiến tranh trên không giữa Ấn Độ và Pakistan là việc các máy bay của hai nước đều có thể triển khai vũ khí hạt nhân. Điều này đồng nghĩa không bên nào có thể đạt được “chiến thắng” mang tính quyết định trước đối thủ.

Quốc tế kêu gọi kiềm chế căng thẳng

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Ấn Ðộ và Pakistan, Liên Hiệp Quốc và nhiều nước đã kêu gọi hai bên kiềm chế tối đa để tránh leo thang căng thẳng.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres bày tỏ “vô cùng quan ngại” và kêu gọi hai nước láng giềng này cần “kiềm chế tối đa về quân sự”. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng lấy làm tiếc về tình hình hiện nay, đồng thời thúc giục hai bên chấm dứt căng thẳng. Trung Quốc và Nga cũng kêu gọi kiềm chế.

Tình hình này đã gây sự xáo trộn cho hệ thống hàng không quốc tế, khi nhiều hãng hàng không tại châu Á phải hủy hoặc điều chỉnh lộ trình bay đến châu Âu và Nam Á.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết