13/08/2022 - 08:35

An ninh tư nhân Trung Quốc “nở rộ” tại châu Phi 

TRÍ VĂN

Sau khi sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” được ra mắt hồi năm 2013, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi đã tăng lên gấp bội. Cùng với việc thu hút dòng tiền khổng lồ, BRI cũng dẫn đến việc khoảng 1 triệu công dân và hơn 10.000 công ty Trung Quốc hoạt động ở châu Phi.

Công nhân Trung Quốc và Bờ Biển Ngà làm việc tại một công trường ở thành phố Abidjan. Ảnh: AFP

Sự an toàn của tài sản và công dân cũng như đảm bảo an ninh các tuyến đường biển vốn bị bọn cướp biển đe dọa tạo cơ sở cho các công ty an ninh tư nhân (PSC) Trung Quốc “nở rộ” tại khu vực. Các PSC của Trung Quốc thật sự lớn mạnh khi Bắc Kinh tăng cường đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng cũng như các dự án khai thác trên khắp châu Phi. Họ ngày càng “ăn nên làm ra” và đang tạo ra vị thế riêng tại khu vực khi tình trạng bất ổn chính trị và an ninh không có hồi kết tại các quốc gia như Cộng hòa Dân chủ Congo, Sudan và Nam Sudan.

Và để đối phó với tình trạng bạo lực ngày càng tăng đối với các cá nhân và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại châu Phi khiến công nhân và các khoản đầu tư của Trung Quốc rơi vào tình thế nguy hiểm, vai trò của các PSC đang được mở rộng, từ việc đảm bảo các cấu trúc cố định sang cung cấp giám sát bằng công nghệ cao. Vai trò của họ ngày càng được công nhận khi Chính phủ Trung Quốc hồi năm 2018 đưa ra bộ quy định đảm bảo an ninh cho các công ty hoạt động ở nước ngoài, trong đó phác thảo các yêu cầu về huấn luyện, đánh giá an ninh và các phương thức giảm thiểu rủi ro. Bộ quy định cũng đề cập các phương thức về chia sẻ dữ liệu và các báo cáo về diễn biến an ninh tại địa phương. Quy định này đã được hàng chục PSC Trung Quốc đang hoạt động hiệu quả ở nước ngoài đón nhận nồng nhiệt.

Chính vì vậy, Trung Quốc được cho đang sử dụng các PSC như một công cụ khôn khéo nhằm duy trì sự hiện diện quân sự kín đáo ở châu Phi. Do hầu hết những người sáng lập và quản lý của các PSC đều có nguồn gốc cảnh sát hoặc quân sự cũng như có quan hệ chặt chẽ với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc, các PSC đang được phát triển để bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh tại châu Phi. Theo tờ Geopolitica, các công ty như DeWe Security hay Frontier Services Group đã triển khai khoảng 3.000 cựu quân nhân PLA hoạt động kín đáo cùng với cảnh sát, nhân viên tình báo và quân nhân địa phương.

Bất chấp những tuyên bố của Trung Quốc rằng các PSC chỉ cung cấp các dịch vụ an ninh thụ động, chẳng hạn như chống trộm cắp và bạo lực, giới quan sát nhận thấy rằng họ thường hoạt động giống như một “công ty quân sự tư nhân”, chuyên thực hiện các hoạt động gián điệp bí mật như thu thập thông tin tình báo và truyền tải cho các lực lượng địa phương các thông tin thu thập được. Haiwei là một công ty như vậy. Có mặt tại 51 quốc gia, Haiwei hiện đang tích cực tham gia vào việc “thu thập thông tin tình báo ở Ethiopia” thông qua các kênh của công ty này và chia sẻ với người dân địa phương về hành động chống lại các mối đe dọa.

Không những vậy, các PSC Trung Quốc cũng đã góp phần tạo ra các lực lượng dân quân địa phương để giúp họ đạt được mục tiêu, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác mỏ, dẫn đến một số vụ nhà thầu Trung Quốc chống lại người dân địa phương. Ðơn cử, một chủ mỏ than Trung Quốc ở Zimbabwe hồi năm 2020 đã bắn bị thương 2 công nhân địa phương vì hay phàn nàn và đòi tiền lương.

Theo tờ Nikkei, quốc gia đông dân nhất thế giới có hơn 5.000 công ty an ninh tư nhân, trong đó có 20 công ty hoạt động ở nước ngoài. Một báo cáo mới đây cho biết Trung Quốc đang tìm cách thành lập công ty an ninh tư nhân tại Pakistan nhằm bảo vệ công nhân và các dự án thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan vốn đã trở thành mục tiêu tấn công của các phần tử cực đoan chống Bắc Kinh.

Chia sẻ bài viết