03/11/2020 - 09:07

Ấn Độ khuyến khích người dân ăn đường 

Trong khi đường đang ngày càng bị săm soi bởi ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe và có thể gây bệnh béo phì, Chính phủ Ấn Độ lại thuyết phục người dân tiêu thụ chất này nhiều hơn.

Bốc xếp đường tại Ấn Độ. Ảnh: newonnews

Bốc xếp đường tại Ấn Độ. Ảnh: newonnews

“Ðường là nguồn nhiên liệu yêu thích nhất của cơ thể để tạo năng lượng cho não, cơ bắp và các quá trình xử lý tự nhiên khác”, Hiệp hội các nhà máy mía đường Ấn Ðộ (ISMA) lập luận, đồng thời cho biết lượng calorie có trong đường tương đương với calorie trong các thực phẩm khác. Theo ISMA, chỉ khi calorie được đốt cháy không hợp lý hoặc tiêu thụ đường quá nhiều mới làm tăng trọng lượng cơ thể.

Do vậy, các nhà máy đường đã phát động chiến dịch trên mạng nhằm tăng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Chẳng hạn tại các cuộc hội thảo trực tuyến, từ các nhà dinh dưỡng học cho tới các chuyên gia y tế công cộng thường chia sẻ kiến thức của họ về đường. Chủ tịch ISMA Vivek Pittie cho rằng đường là “nạn nhân của nỗi lo sợ” và nói tiêu thụ đường trong mức giới hạn sẽ không gây hại cho sức khỏe.

Tại buổi khai trương cổng thông tin của ISMA hồi tuần rồi, Sudhanshu Pandey, Thư ký Bộ Lương thực Ấn Ðộ, nhấn mạnh tiêu thụ đường bình quân đầu người tại nước này trong 3 năm qua vẫn ở mức 19kg/năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 23,5kg/năm. ISMA thì lên tiếng trách các chiến dịch trên mạng xã hội nói đường mía không tốt cho sức khỏe đã ngăn cản người dân tiêu thụ. Theo ông Pandey, nếu tiêu thụ đường bình quân đầu người tại quốc gia Nam Á nhảy lên bằng mức trung bình của thế giới, nhu cầu trong nước sẽ tăng thêm 5,2 triệu tấn/năm. Ðiều này cũng sẽ kéo giảm lượng đường dư thừa và giúp chính phủ tiết kiệm ngân sách nhờ giảm trợ cấp xuất khẩu.

Ngành đường Ấn Ðộ bội thu hai năm liên tiếp càng làm trầm trọng tình trạng dư thừa đường trong nước. Sản lượng mía và đường kỷ lục đã kìm hãm giá đường của Ấn Ðộ, gây khó cho các nhà máy trong việc thanh toán tiền cho nông dân. Ðể giảm nợ và lượng tồn kho, chính phủ nước này đã chấp thuận trợ cấp 137,5 USD/tấn để có thể xuất khẩu 6 triệu tấn đường trong niên vụ 2019-2020. Thực tế, xuất khẩu đường của Ấn Ðộ, quốc gia tiêu thụ đường lớn nhất và cũng là nhà sản xuất đường lớn thứ hai thế giới, đã đạt mức 5,65 triệu tấn trong niên vụ vừa qua nhờ những khoản trợ cấp nói trên. Tuy nhiên, Úc, Brazil và Guatemala từ năm ngoái đã phản đối chính sách trợ cấp ngành đường Ấn Ðộ bởi phần lớn những trợ cấp này được cho vi phạm quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo Hãng tin Bloomberg, chi phí sản xuất cao đồng nghĩa Ấn Ðộ rất khó bán đường trên thị trường toàn cầu mà không có trợ cấp. Ðược biết, tiêu thụ đường hàng năm tại đất nước gần 1,4 tỉ dân này ở mức 25-26 triệu tấn, trong khi sản lượng đường niên vụ 2019-2020 lên tới 27,5 triệu tấn. Ở niên vụ 2020-2021, các nhà máy đường Ấn Ðộ hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 triệu tấn đường, với sản lượng dự kiến tăng 13% sau khi những đợt mưa lớn giúp ích cho hoạt động trồng trọt.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên cần hạn chế lượng đường tiêu thụ dưới 5% lượng calorie/ngày. Đối với chế độ ăn 2.000 calorie mỗi ngày, tối đa là chỉ tiêu thụ 100 calorie từ đường, tương đương 6 muỗng cà phê. Ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến thiếu năng lượng, tâm trạng buồn bã, đầy hơi, sâu răng, mụn, tăng cân và béo phì, bệnh tiểu đường và kháng insulin, tim mạch, cao huyết áp, ung thư và lão hóa da.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết