08/04/2008 - 10:21

Ấn Độ "chen chân" vào lục địa đen

Các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Nam Phi trong một lần gặp nhau tại Pretoria năm 2006.

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Ấn Độ và châu Phi khai mạc vào hôm nay 8-4 tại New Delhi. Có thể thấy tầm quan trọng của hội nghị này qua sự có mặt của 14 vị nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước châu Phi cùng Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Oumar Konare. Điều này cho thấy cuộc cạnh tranh giành thị phần và nguồn tài nguyên thiên nhiên của châu Phi sắp vào hồi quyết liệt.

Theo lời Ngoại trưởng Ấn Độ Pranab Mukherjee, Ấn Độ và châu Phi là “đối tác lý tưởng” bởi cả hai đều có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao và có tiềm năng lớn để phát triển trong tương lai. Cấp phó của ông Mukherjee là Anand Sharma cũng ca ngợi mối quan hệ đối tác giữa một Ấn Độ đang lên và một châu Phi đang hồi sinh, dựa trên nền tảng của cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa Apartheid (phân biệt chủng tộc) và đô hộ trong quá khứ.

Kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và châu Phi năm 2007 đạt hơn 25 tỉ USD. Tuy nhiên, con số này còn kém xa so với giá trị buôn bán 55 tỉ USD giữa châu Phi và Trung Quốc. Đầu tư qua lại giữa hai bên cũng không đáng kể, ngoại trừ dự án liên doanh hiện đại hóa Sân bay quốc tế Mumbai trị giá 1 tỉ USD giữa Ấn Độ và Nam Phi. Giới doanh nhân Ấn Độ nói rằng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại châu Phi thật ra không dễ dàng vì lục địa đen có mối quan hệ hợp tác gần gũi với châu Âu hơn. Một khi muốn đầu tư tại châu Phi thì trước hết phải thuyết phục họ rằng sản phẩm mà mình sẽ mang đến cho người tiêu dùng bản địa không hề thua kém gì tiêu chuẩn chất lượng của phương Tây.

Ấn Độ hiện đặc biệt quan tâm tới nguồn dầu khí chưa khai thác trị giá ước tính lên tới 30 tỉ USD của châu Phi. Thế nhưng, các doanh nghiệp Ấn Độ khó cạnh tranh nổi với các nước khác, nhất là Trung Quốc. Chẳng hạn, tập đoàn dầu khí quốc gia ONGC của Ấn Độ mới đây phải ngậm ngùi chịu thất bại trước một công ty nhà nước Trung Quốc trong cuộc đấu thầu khai thác hai lô dầu khí khổng lồ tại châu Phi, mặc dù ONGC thoạt đầu đưa ra mức giá cao hơn tất cả các nhà thầu khác. Theo ban lãnh đạo ONGC, nhà thầu Trung Quốc được ưu ái hơn vì họ cam kết bỏ tiền thêm để giúp xây dựng kết cấu hạ tầng tại nơi mà họ giành được quyền đầu tư. Do đó, để thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư với châu Phi, theo các nhà ngoại giao Ấn Độ, New Delhi cần hỗ trợ châu Phi phát triển hạ tầng kỹ thuật và các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh như giáo dục, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin.

Ngoài mục tiêu tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng, Ấn Độ còn hy vọng thông qua hội nghị thượng đỉnh Ấn-Phi có thể giành được sự ủng hộ của AU, khối có số nước thành viên lớn nhất trong Liên Hiệp Quốc, đối với tham vọng trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an của nước này.

PHÚC NGUYÊN (Theo IANS, AFP, BBC)

Chia sẻ bài viết