16/11/2022 - 22:15

Ai bắn tên lửa vào Ba Lan? 

HẠNH NGUYÊN

Các nhà lãnh đạo thế giới đã họp khẩn tại Bali (Indonesia) vào sáng 16-11 sau khi một tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan khiến “2 công dân nước này thiệt mạng”.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp khẩn với các lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng thông tin sơ bộ cho thấy ít có khả năng tên lửa được bắn từ Nga, nhưng ông không thể khẳng định chắc chắn cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất. Còn trong những bình luận trước đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda lưu ý rằng trong khi chưa rõ ai bắn tên lửa, “khả năng cao nhất” là tên lửa được sản xuất tại Nga.

Tổng thống Biden (giữa) và các nhà lãnh đạo G7 họp khẩn tại Bali về vụ tên lửa ở Ba Lan. Ảnh: AFP

Theo Kênh CNN, một tên lửa đã rơi xuống bên ngoài ngôi làng Przewodow, cách biên giới với Ukraine 6,4km về phía Tây hôm 15-11, gần như cùng thời điểm Nga phát động làn sóng tấn công tên lửa lớn nhất vào các thành phố của Ukraine trong hơn một tháng qua. Vụ việc đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia thành viên NATO bị ảnh hưởng trực tiếp trong cuộc xung đột kéo dài gần 9 tháng tại Ukraine.

Chưa rõ bên nào bắn tên lửa và nó được bắn từ đâu, mặc dù Bộ Ngoại giao Ba Lan mô tả đây là vũ khí do “Nga chế tạo”. Cả lực lượng Nga và Ukraine đều sử dụng đạn dược do Nga sản xuất trong cuộc xung đột trên. Ba Lan đã triệu tập đại sứ Nga để yêu cầu giải thích.

Ðiện Kremlin đã phủ nhận sự liên quan trong vụ nổ trên, trong đó Bộ Quốc phòng Nga gọi những báo cáo của truyền thông Ba Lan (bên đầu tiên đưa tin về các cái chết do tên lửa) là “lời khiêu khích cố ý nhằm làm leo thang tình hình”. Nga cũng nhấn mạnh những hình ảnh của mảnh vỡ từ hiện trường ở làng Przewodow mà truyền thông Ba Lan công bố không liên quan gì đến vũ khí của Nga.

Trong khi đó, Hãng AP dẫn đánh giá sơ bộ của 3 quan chức Mỹ cho rằng lực lượng Ukraine đã bắn tên lửa và nó rơi trúng Ba Lan. Các nguồn tin nói tên lửa này nhắm vào một tên lửa của Nga đang bay tới.

Điều 4, Điều 5 của NATO

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng bằng chứng nói tên lửa rơi xuống Przewodow là “hành động đơn lẻ” và không có chứng cứ về việc có thêm các vụ tấn công tên lửa. Tuy nhiên, phía Ba Lan sẽ nâng tình trạng sẵn sàng của một số đơn vị chiến đấu, đồng thời tiến hành phân tích và tham vấn với các đồng minh về khả năng kích hoạt Ðiều 4 của Hiệp ước NATO.

Ðiều 4 cho phép bất kỳ thành viên nào của liên minh được tham vấn với các thành viên còn lại liên quan đến các vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hay an ninh bị đe dọa. Nếu Warsaw viện dẫn Ðiều 4, sự cố tên lửa rơi trên lãnh thổ nước này sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bắc Ðại Tây Dương, cơ quan ra quyết định chính trị của NATO. Ðiều 4 đã được kích hoạt 7 lần kể từ khi NATO thành lập vào năm 1949. Gần đây nhất là 8 quốc gia châu Âu kích hoạt điều khoản này để tổ chức tham vấn khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2.

NATO còn có công cụ khác là Ðiều 5. Ðiều 5 nêu rõ một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một nước thành viên sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các thành viên của khối quân sự gồm 30 quốc gia này. Ðiều 5 chỉ được viện dẫn một lần, sau các cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11-9-2001. NATO sau đó đã sử dụng các máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm để giúp tuần tra trên bầu trời nước Mỹ. Theo sau cuộc tuần tra này là hoạt động giám sát của tàu chiến trên Ðịa Trung Hải, tham chiến tại Afghanistan và huấn luyện binh sĩ Iraq.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Đức sẽ sát cánh cùng đồng minh Ba Lan trong NATO. Trong khi đó, Chính phủ Anh cho biết nước này đang xem xét khẩn cấp các báo cáo về vụ rơi tên lửa ở Ba Lan. Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và cam kết sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ với Vác-sa-va liên quan vụ việc. Còn Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NATO đang theo dõi tình hình và các đồng minh đang tham vấn chặt chẽ.

Chia sẻ bài viết