08/03/2015 - 09:13

7 phụ nữ làm thay đổi thế giới

Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, CNN giới thiệu lại 7 gương mặt tài năng trong số nhiều phụ nữ xuất chúng đã làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Họ đã để lại dấu ấn lịch sử to lớn và làm thay đổi suy nghĩ của nhân loại trong nhiều thập niên và có thể là trong những năm sắp tới.

 

Harriet Beecher Stowe (1811 - 1896) - Tác giả, nhà hoạt động chống chế độ nô lệ

Cuốn tiểu thuyết "Túp lều bác Tom", do nhà văn người Mỹ Harriet Beecher Stowe viết năm 1852, đã góp phần truyền bá phong trào chống chế độ sở hữu nô lệ. Đây là cuốn sách bán chạy thứ hai trong thế kỷ 19, chỉ sau Kinh Thánh.

Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln từng chào đón bà tại Nhà Trắng bằng câu nói: "Vậy ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách bắt đầu cuộc chiến vĩ đại này", ý nói cuộc nội chiến đã giúp xóa bỏ chế độ nô lệ ở nước Mỹ.

 

Emmeline Pankhurst (1858-1928) – Nhà lãnh đạo phong trào giúp phụ nữ được quyền bỏ phiếu

Emmeline Pankhurst là nhà hoạt động chính trị người Anh đã dẫn dắt phong trào giúp phụ nữ giành được quyền bỏ phiếu. Bà là người sáng lập ra Liên minh Xã hội -Chính trị của Phụ nữ (WSPU) - nhóm được biết đến với các hình thức biểu tình quá khích như tự xích bản thân vào rào chắn hoặc nhịn đói. Tuy nhiên, Pankhurst chưa kịp nhìn thấy giấc mơ của mình trở thành hiện thực thì bà đã qua đời, chỉ 3 tuần trước khi luật cho phép phụ nữ có quyền bỏ phiếu như nam giới được thông qua.

Phát biểu trong một phiên tòa hồi năm 1908, bà mạnh mẽ tuyên bố: "Chúng tôi ở đây không phải vì chúng tôi là những kẻ phạm luật, mà chúng tôi ở đây trong nỗ lực trở thành những nhà lập pháp".

 

Anne Frank (1929-1945) - tác giả quyển nhật ký ghi lại sự kiện tàn sát người Do Thái dưới thời Đức Quốc Xã

 Anne Frank, một cô bé 13 tuổi người Hà Lan gốc Do Thái, đã viết nên cuốn nhật ký nổi tiếng "Diary of a Young Girl" (tạm dịch "Nhật ký của một cô gái trẻ") trong những ngày tháng lẩn trốn ở một ngôi nhà tại thành phố Amsterdam suốt thời kỳ Đức Quốc Xã chiếm đóng Hà Lan trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Nhật ký Anne Frank đã trở thành một trong những cuốn sách được đọc rộng rãi nhất toàn thế giới với hơn 30 triệu bản được bán ra. Sách được dịch ra 67 thứ tiếng và dựng thành phim và kịch. Điều đáng tiếc là Anne Frank đã qua đời tại trại tập trung Bergen-Belsen, chỉ vài tuần trước khi nơi này được giải phóng.

 

Simone de Beauvoir (1908-1986) - Nhà văn, triết gia

Nhà văn kiêm triết gia người Pháp là tác giả của cuốn sách "Giới tính thứ hai", xuất bản năm 1949. Đây là tác phẩm tiêu biểu của người chuyên đấu tranh vì thuyết nam nữ bình quyền. Quyển sách phân tích cách đối đãi và cảm nhận về phụ nữ trong chiều dài lịch sử và từng bị Tòa Thánh Vatican liệt vào danh mục những quyển sách bị cấm lưu hành.

Cùng với người bạn đời Jean Paul Sartre, Beauvoir được bình chọn là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.

 

Rosalind Franklin (1920-1958) - Nhà khoa học giúp giải mã ADN

Rosalind Franklin, một chuyên gia hóa học và tinh thể học tia X người Anh, là người có đóng góp quan trọng trong việc phát hiện ra cấu trúc của ADN.

Các bức ảnh chụp tia X về các đường xoắn kép (của ADN) mà bà thực hiện đã được 3 nhà khoa học là James Watson, Francis Crick và Maurice Wilkins sử dụng trong công trình nghiên cứu mô hình ADN về sau. Nhờ đó, họ được trao giải Nobel Y học năm 1962. Tuy nhiên, Franklin đã để lỡ giải Nobel cho riêng mình, bởi bà qua đời năm 1958 vì bệnh ung thư buồng trứng.

 

Billie Jean King (sinh năm 1943) – Huyền thoại quần vợt thế giới

Billie Jean King được đánh giá là một trong những nữ vận động viên quần vợt nổi trội nhất trong làng quần vợt nước Mỹ và thế giới. Bà có 39 lần giành danh hiệu Grand Slam, trong đó có 12 hạng mục đơn nữ, 16 hạng mục đôi nữ và 11 hạng mục đôi nam nữ. Tuy nhiên, bà nổi danh nhất nhờ chiến thắng trong trận đấu nổi tiếng gọi là "The battle of the Sexes" (tạm dịch "Trận đấu giới tính") trước tay vợt nam Bobby Riggs vào năm 1973.

Bà còn là người thành lập Hiệp hội Quần vợt Phụ nữ, đồng thời tham gia tích cực vào chiến dịch kêu gọi cân bằng mức tiền thưởng cho vận động viên ở cả hai giới.

 

Wangari Maathai (1940 –2011) - Nhà sáng lập Phong trào Vành đai xanh

Wangari Maathai, một nhà hoạt động chính trị người Kenya, đã thành lập Phong trào Vành đai xanh hồi năm 1977. Đây là một tổ chức phi chính phủ tập trung vào việc trồng cây, bảo vệ môi trường và đấu tranh vì nữ quyền.

Đến nay, phong trào do bà khởi xướng đã lan rộng ra toàn thế giới, vận động cho chiến dịch chống biến đổi khí hậu và hợp tác với Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) để kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường. "Khi chúng ta trồng cây, chúng ta đang ươm mầm cho hy vọng và hòa bình" - bà Maathai phát biểu khi được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2004.

NGUYỆT CÁT

Chia sẻ bài viết