28/04/2012 - 08:21

Kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2012)

40 năm ngời sáng trận Quang Phong

* Bút ký: PHẠM TRUNG

Sau Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn Tây Đô gặp nhiều khó khăn trước sự bình định, lấn chiếm của địch. Bên cạnh đó, việc khan hiếm lương thực, đạn dược và quân số liên tục giảm sút cũng khiến lực lượng ta gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Tiểu đoàn vẫn liên tục mở các trận đánh khắp Long Mỹ, Châu Thành B, Phụng Hiệp,... Trong đó, trận đánh căn cứ Quang Phong, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp (đêm 6 rạng ngày 7-4-1972) được xem như một trong những trận oanh liệt trong lịch sử của Tiểu đoàn. Với quân số ít ỏi, Tiểu đoàn Tây Đô đã giáng một đòn mạnh vào hệ thống phòng thủ của địch tại Phụng Hiệp, bứt rút, bức hàng nhiều đồn bót địch, góp phần vào thắng lợi của ta trên bàn Hội nghị Paris, cũng như tạo bước đệm trong việc giải phóng Cần Thơ ngày 30-4-1975.

 Lực lượng của Tiểu đoàn Tây Đô đánh chiếm khẩu pháo 105 ly của địch trong trận Quang Phong (4-1972).
 Ảnh: LÝ WÀY (tư liệu)

40năm sau trận đánh căn cứ Quang Phong, Trung tá Nguyễn Chí Điều (ngụ tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều) vẫn thấy dạt dào niềm tự hào khi nhắc chuyện cũ. Trên bàn giữa nhà ông có 4 tấm ảnh trắng đen ghi lại kỷ niệm năm xưa, đó cũng là kỷ vật quý báu của ông trong mấy chục năm “làm lính tiểu đoàn”. Ông chỉ vào tấm ảnh lúc ông và đồng đội hạ quyết tâm trước trận Quang Phong, rồi nói: “Thế hệ của chúng tôi đều học tập và trưởng thành từ chiến đấu. Anh em chúng tôi ai cũng có một lời thề quyết tử, quyết tâm giành thắng lợi mỗi khi bắt đầu trận đánh...”. Câu chuyện giữa tôi và ông tiếp tục qua từng tấm ảnh... Mùa hè năm 1972, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 phát động toàn quân đồng loạt tấn công nhằm mở rộng vùng Hậu Giang, khai thông hành lang U Minh, Giồng Riềng, Long Mỹ, tạo điều kiện phát triển lực lượng qua Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ. Căn cứ Quang Phong giữ một vai trò quan trọng khi khống chế một vùng rộng lớn ở Phụng Hiệp. Dù lực lượng Tiểu đoàn Tây Đô thời điểm này hạn chế về số lượng, nhưng với quyết tâm cao, Ban Chỉ huy tiểu đoàn đã quyết định đánh Quang Phong với ba mũi là trung tuyến, thọc sâu chủ yếu và “bóc vỏ”. Trung tá Điều nhớ lại: “Tôi và đồng chí Bé (thuộc tổ thọc sâu chủ yếu) sau khi dùng mìn phá được cửa thì anh em khác nổ súng hiệp đồng tấn công. Chúng tôi xông vào khi địch đang hoảng loạn trong cảnh không gian tranh tối, tranh sáng. Tiếng súng nổ giòn khắp nơi cùng sự hoảng loạn của địch khiến anh em đánh rất hăng...”.

Trung tá Nguyễn Chí Điều luôn giữ bên mình những tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc ông tham gia trận đánh căn cứ Quang Phong (4-1972). Ảnh: PHẠM TRUNG

Nhiều năm đã trôi qua nhưng Trung tá Điều vẫn chưa nguôi nỗi đau khi chứng kiến người đồng đội của mình hy sinh ngay khi vừa bước vào cổng đồn giặc. Cầm tay bạn lần cuối, cố nén nỗi đau, ông lao nhanh tiến về sở chỉ huy địch-nơi có hai khẩu pháo 105 ly-mục tiêu ông được phân công chiếm giữ. Còn một mình, ông lần lượt diệt từng công sự rồi tiến về sở chỉ huy. Trên đường, gặp một tên địch giữ công sự bắn trả quyết liệt, Trung tá Điều đã dũng cảm dùng 2 quả thủ pháo hạ gục tên này. Khi ông bước vào công sự định tước súng tên địch để đánh tiếp vào trong thì bất ngờ hắn chĩa súng về phía ông. “Hắn vẫn còn sống. Trong không gian tối om tôi chỉ kịp dùng tay gạt ngang rồi giựt súng bắn hạ hắn”-Trung tá Điều bồi hồi nhớ lại. Dù tiêu diệt được tên địch nhưng ông vẫn bị thương cánh tay. Chỉ về tấm hình với cánh tay băng trắng nổi bật trong màn đêm, ông xúc động: “Tôi không ngờ mình có thể vượt qua giờ phút hiểm nguy đó. Đặc công chúng tôi thì không sợ chết nhưng đánh như thế đó là trận duy nhất của đời tôi thấy mình may mắn. Tấm ảnh này tôi vừa xin từ một đồng đội cũ. Đó là một phần ký ức của tôi và nhiều anh từng đánh trận này...”. Sau gần 2 tiếng đồng hồ chiến đấu, Tiểu đoàn Tây Đô đã tiêu diệt hoàn toàn căn cứ Quang Phong và hy sinh 11 đồng chí. Ngay trong ngày địch tái chiếm, ta đã chặn và liên tục giáng cho chúng nhiều đòn đau, buộc chúng phải án binh bất động và tạo điều kiện cho lực lượng binh vận, chính trị liên tiếp giành thắng lợi khắp nơi.

Đại tá Lê Trọng Nghĩa (ngụ đường Trần Quang Diệu, quận Bình Thủy) - người tham gia trận đánh năm xưa với vai trò Phó Chính trị viên tiểu đoàn - thì không thể quên thời khắc căng thẳng khi lực lượng tiên phong dùng mìn phá rào nhưng gặp sự cố. Ông kể: “Do lực lượng phụ trách mũi thọc sâu chủ yếu đánh mìn phá rào ở cự ly quá gần nên khi mìn nổ các đồng chí đó bị ảnh hưởng sức ép của mìn, không thể xung phong. Thấy vậy, tôi ôm khẩu AK xông lên chiếm giữ lô cốt đầu tiên, sau đó, hiệp lực cùng anh em tấn công căn cứ”. Dù trúng đạn gãy cánh tay nhưng Đại tá Nghĩa vẫn dũng cảm tiến lên phía trước. Ông nói: “Đây là một trận vô cùng quan trọng với chúng tôi. Lực lượng của tiểu đoàn đánh Quang Phong chỉ khoảng 70 cán bộ, chiến sĩ nên chúng tôi quyết dồn toàn lực phá tan căn cứ này để tạo điều kiện phát triển lực lượng. Nếu thất bại thì quá trình phục hồi lực lượng là một khoảng trống vô hạn. Tôi tuy bị gãy cánh tay không thể chiến đấu nhưng giấu anh em, vẫn xông lên để động viên tinh thần mọi người”.

Nghe lời Đại tá Nghĩa kể, tôi chợt nhớ đến lời Thiếu tướng Lê Thanh Sơn tâm sự trước đó. Ông nói rằng:Tiểu đoàn Tây Đô vang danh là nhờ những cán bộ, chiến sĩ quả cảm như thế. Mỗi một trận đánh là một lần tập dượt và “lệ phí” được trả bằng máu và mạng sống. Trong đó, lực lượng chỉ huy qua các thời kỳ luôn truyền thụ kinh nghiệm cho cấp dưới để khi mình có chuyển công tác hay gặp “bất trắc” gì thì vẫn còn người kế cận! Và trận Quang Phong là một kỳ thi khó đối với những người lính kiên cường này.

Còn với Đại tá Nghĩa, chiến thắng Quang Phong có thể xem là sự tiếp nối truyền thống của tổ tiên trong việc “lấy ít địch nhiều”, “lấy tinh nhuệ đánh ô hợp”. Nhờ chiến thắng này mà hệ thống đồn bót địch quanh yếu khu Quang Phong tan rã, nhân dân trở về địa phương sinh sống, góp phần tạo thế và lực cho quân dân ta. Trận đánh là động lực to lớn giúp lực lượng vũ trang TP Cần Thơ càng đánh càng trưởng thành, càng đánh càng hiệu quả. Ngay sau trận này, ta đã phát triển lực lượng lên trên 200 đồng chí, về sau còn thành lập thêm Tiểu đoàn Tây Đô III. Cùng việc đánh căn cứ Quang Phong, hai đồng chí Chiêm Thành Tấn và Võ Thành Đô cũng được lệnh dùng thuốc nổ đánh sập cầu Cái Răng. Chiến công này đã cắt đứt đường tiếp viện của địch trên Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1A), ngăn chặn địch chi viện cho các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Chương Thiện, đồng thời làm địch ở các điểm xung yếu quanh Cần Thơ hoang mang tột độ. Từ đây, ta đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương quân, du kích tiến công diệt địch khắp nơi, giải phóng nhiều vùng nông thôn, tạo lợi thế cho ta trong Hội nghị Paris tháng 10-1972, đồng thời đây cũng là bước đệm để giải phóng Cần Thơ sau này.

Nhắc lại chiến thắng ngày 30-4-1975, có lẽ nhiều người vẫn nhớ chiến thắng Chi khu Một Ngàn (12-1974), một thắng lợi mở màn cho các đợt tiến công trong suốt mùa khô 1974-1975, mở toang cánh cửa Lộ Vòng Cung tiến tới giải phóng Cần Thơ sau này. Thế nhưng những thắng lợi với thế chẻ tre của quân ta trên các chiến trường thời điểm đó vẫn mang dấu ấn trận Quang Phong cách đó hơn 2 năm - như lời Đại tá Lê Trọng Nghĩa nhận định: “Trận Chi khu Một Ngàn là một thắng lợi toàn diện của quân ta. Lúc đó, lực lượng vũ trang của ta đã vững vàng về thế và lực, có thể một chọi một với địch. Nhưng trận Quang Phong thì khác, trong cuộc đối đầu không cân sức đó, ý chí quyết tâm là điều kiện tiên quyết, Quang Phong chính là bước ngoặt lịch sử để hình thành thế và lực cho ta trong các chiến thắng về sau. Nhắc đến thắng lợi của ngày 30-4-1975 nếu quên trận Quang Phong thì chúng ta chưa công bằng với lịch sử...”.

Chia sẻ bài viết