Sau thảm họa kép động đất - sóng thần ngày 11-3-2011, Nhật Bản đã xây dựng nhiều khu dân cư, công viên và trường học mới. Song, sự tổn thất đã vượt quá bất kỳ phản ứng chính sách nào. Hàng trăm ngàn cư dân đã rời khỏi các thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều người trong số đó vẫn luôn bị ám ảnh về tất cả những gì đã mất mát.

Cụ Sasaki đi dạo dọc theo bờ biển gần nhà. Ảnh: Reuters
Khi thảm họa xảy ra, xe tải và nhà cửa bị nước cuốn sang một bên như đồ chơi trẻ con. Những người may mắn sống sót phải đào bới những vùng đất đầy bùn và mảnh vụn để tìm xác người thân. 10 năm trôi qua, những người còn sống vẫn đang tìm kiếm người thân, nỗi tiếc thương của họ không bao giờ nguôi ngoai.
Ký ức còn đọng mãi
Đến gặp cụ Yoshihito Sasaki, 70 tuổi, đang sống một mình trong ngôi nhà ở cuối con đường rợp bóng cây anh đào, phóng viên Hãng tin Reuters nhìn thấy ông chất đầy những cuốn sách nói về chứng rối loạn mà cậu con trai không may mắc phải. Vào tháng 3-2011, chỉ vài tuần trước khi ông Sasaki nghỉ hưu trên cương vị hiệu trưởng một trường tiểu học ở làng chài Hirota thì thảm họa xảy ra. Sau khi đảm bảo tất cả các học sinh đều an toàn và biết rằng đứa con trai lớn Yoichi sống sót, ông bắt đầu tìm kiếm những người còn lại trong gia đình. Song, điều tồi tệ nhất đã xảy ra đối với vợ và người con trai khác là Jinya, vốn mắc chứng Hikikomori, tức người từ chối tiếp xúc với xã hội bên ngoài và không đi học hoặc thất nghiệp, trong một thập kỷ. Khi thảm họa xảy ra, người con trai 28 tuổi đang tự nhốt mình trong phòng, không thể tháo chạy ngay cả khi mẹ cầu xin cậu sơ tán khi sóng thần ầm ầm đổ về phía họ.
Sau trận sóng thần, ông Sasaki đã mua hàng chục cuốn sách nói về bệnh mà Jinya mắc phải. Và trong gần một thập kỷ trôi qua, ông và con trai lớn Yoichi sống chung nhưng chưa bao giờ đề cập về ngày xảy ra sóng thần. Hai cha con cuối cùng cũng đã trò chuyện cách đây vài tháng khi Yoichi chuẩn bị chuyển đi nơi khác. “Tôi nghĩ có lẽ thời gian sẽ làm phai mờ vết thương lòng nhưng đối với tôi thì không thể. Có những điều bạn muốn quên nhưng không thể quên được. Một số ký ức vẫn sẽ mãi đọng lại trong tâm trí” - ông Sasaki tâm sự. Bản thân ông hối tiếc, đồng thời cũng tin rằng đứa con trai bên cạnh mình vẫn trách ông đã không nỗ lực nhiều hơn để hỗ trợ cho mẹ và em.
Rồi câu chuyện về một người mẹ vẫn bị ám ảnh bởi tiếng khóc của những đứa trẻ bị mắc kẹt, kêu cứu trong bóng tối, khiến người nghe không khỏi chạnh lòng. Ngay cả bây giờ, bà ấy vẫn ngày ngày đi về trên chiếc xe buýt từng đưa đón cô con gái như để cho mọi người thấy rằng đứa con 6 tuổi của bà vẫn còn sống.
Đặc biệt, có một người vợ không bao giờ từ bỏ hy vọng rằng chồng mình sẽ quay về. Trong những bức thư viết nguệch ngoạc trên mặt sau của những tờ lịch, bà mắng chồng vì đã đi xa mà không một lời từ biệt, đôi khi viết ra những câu nói tưởng tượng của chồng nhằm tự khuyến khích bản thân sống tốt khi không có ông bên cạnh.
286 tỉ USD cho tái thiết
Theo Reuters, lễ kỷ niệm 10 năm xảy ra thảm họa năm nay sẽ được truyền hình trực tiếp. Những người tham gia buổi lễ sẽ mặc đồ đen, tập trung tại một nhà hát ở thủ đô Tokyo. Tại đây, họ cúi đầu nhớ về khoảnh khắc xảy ra thảm họa. Vào ngày này, những người sống sót sẽ cầu nguyện và cùng gia đình đến viếng mộ những người xấu số.
Trận động đất 9 độ Richter và sóng thần đã cướp đi sinh mạng của gần 20.000 người trên một dải bờ biển Thái Bình Dương, cách Tokyo hơn 400km về phía Đông Bắc. Trên khắp khu vực, hơn 2.500 người vẫn được thông báo mất tích. Thảm họa này cũng khiến 100.000 người phải rời bỏ nhà cửa và làm tê liệt nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Đây là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986. Sự cố tại nhà máy điện này đã khiến một lượng lớn chất phóng xạ rò rỉ vào không khí, đất và nước. Đến nay, các khu vực quanh nhà máy Fukushima Daiichi vẫn bị giới hạn do lo ngại mức phóng xạ còn cao.
Chính phủ Nhật Bản cam kết tái thiết khu vực và đã chi khoảng 31.000 tỉ yen (286 tỉ USD) cho việc tái thiết. Đến nay, nhiều khu dân cư, trường học và công viên đã được xây dựng tại khu vực. Ở Rikuzentakata, thành phố mất gần 10% dân số trong trận sóng thần, bức tường biển cao 12,5 mét đã được dựng lên để bảo vệ cư dân khỏi bị lũ lụt trong tương lai.
TRÍ VĂN