|
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (phải) và Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda. Ảnh: AFP |
Tiếp theo cuộc hành trình tại Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ngày 28-12 đã bắt đầu chuyến thăm chính thức Ấn Độ lần đầu tiên. Hãng tin Pháp AFP đánh giá chuyến đi này là một phần trong “sứ mạng kinh tế” lấy lại vai trò và ảnh hưởng của đất nước Mặt trời mọc trong bối cảnh thế giới đang lâm vào khủng hoảng tài chính.
AFP cho rằng Tokyo sẽ sử dụng tối đa nguồn dự trữ ngoại tệ trị giá 1.300 tỉ USD để thúc đẩy vai trò bình ổn tài chính của mình trên thị trường quốc tế. Tại Ấn Độ, hãng tin tài chính Bloomberg dẫn lời một quan chức chính phủ Nhật cho biết Tokyo sẵn sàng ký thỏa thuận cho vay 10 tỉ USD nếu được yêu cầu. Trước mắt, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ ký thỏa thuận mỗi nước đóng góp 5 tỉ USD vào quỹ hoán đổi tiền tệ nhằm nhanh chóng can thiệp thị trường nếu như đồng nội tệ của hai nước bị mất giá. Điều này rất cần thiết cho New Delhi, bởi đồng rupee đã mất tới 20% giá trị từ tháng 8 đến nay so với USD do kinh tế tăng trưởng thấp, tài khoản vãng lai bị thâm hụt và tác động từ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.
Các nhà phân tích tài chính cho rằng đồng tiền tệ của các nước mới nổi sẽ bất ổn khi các ngân hàng châu Âu rút vốn đi, nên việc lập quỹ hoán đổi tiền tệ sẽ giúp các nước này có được nguồn cung ứng khẩn cấp USD tiền mặt. Năm 2008, Tokyo và New Delhi cũng có thỏa thuận tương tự nhưng chỉ có tổng cộng 3 tỉ USD. Tháng 10 vừa qua, Nhật và Hàn Quốc cũng đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ 70 tỉ USD. Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đang có quỹ hoán đổi tiền tệ trị giá 120 tỉ USD. Sáng kiến lập quỹ hoán đổi tiền tệ của Nhật đã được cựu Bộ trưởng Tài chính Kiichi Miyazawa đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 với số tiền đầu tiên 30 tỉ USD.
Ngoài quỹ hoán đổi tiền tệ bằng USD, Nhật và Ấn Độ cũng có thể có thỏa thuận giao dịch bằng đồng nội tệ của nhau nhằm thúc đẩy thương mại song phương trị giá hơn 13,8 tỉ USD năm 2010. Nhật Bản và Trung Quốc, hai nước có tổng kim ngạch thương mại và dịch vụ lên tới 340 tỉ USD năm ngoái, mới đây đã có thỏa thuận tương tự nhằm giảm bớt rủi ro khi giao dịch dựa quá nhiều vào USD đang trên đà giảm giá. Bên cạnh tiền tệ, Nhật quan tâm đến dự án phát triển kết cấu hạ tầng Tuyến hành lang công nghiệp New Delhi-Mumbai trị giá 92 tỉ USD của Ấn Độ. Đầu tư của Nhật tại Ấn Độ hiện chỉ khoảng 3,5 tỉ USD, trong khi chính quyền Tokyo cam kết dành 128 tỉ USD giúp các công ty Nhật đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài nhằm tăng cường tìm kiếm lợi nhuận và gia tăng ảnh hưởng.
“Sứ mạng kinh tế” là trọng tâm của ông Noda trong chuyến đi Ấn Độ lần này, nhưng vấn đề chia sẻ công nghệ năng lượng hạt nhân và hợp tác an ninh lại rất quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Nhật báo Phố Wall của Mỹ vì thế nhận định chuyến thăm New Delhi của ông Noda là “động thái tiếp theo” sau cuộc họp ba bên đầu tiên của Mỹ-Nhật-Ấn tại Washington ngày 19-12 mà dư luận cho là nhằm liên kết chống lại sự trỗi dậy ngày mạnh mẽ của Trung Quốc.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)