31/05/2014 - 20:59

“Khẩu chiến” tại Đối thoại Shangri-La

 Ông Shinzo Abe. Ảnh: UPI

"Phát pháo” tại lễ khai mạc Diễn đàn Shangri-La tối 30-5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không trực tiếp chỉ trích Bắc Kinh thời gian gần đây liên tục gây căng thẳng trên Biển Đông, nhưng cam kết “ủng hộ tối đa” các nước Đông Nam Á đang có tranh chấp với Trung Quốc. Cụ thể là Nhật đã cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần tra, Indonesia 3 tàu và đang xem xét cung cấp cho Việt Nam một số tàu tương tự. Cần nói thêm là Indonesia trước nay đứng ngoài tranh chấp Biển Đông nhưng trước việc Bắc Kinh ngày càng tham lam và hung hăng, nhất là bản đồ đường chín đoạn phi pháp của họ “ăn” vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, nên Jakarta gần đây quyết định tăng cường tiềm lực hải quân. Ông Abe cũng ủng hộ nỗ lực của Việt Nam và Philippines trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề thông qua đối thoại.

và bà Phó Oánh đối đầu nhau tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Reuters 

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hôm qua có bài phát biểu với những lời lẽ mà theo Reuters là “mạnh mẽ hiếm thấy” khi nói về Trung Quốc. “Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã có những hành động đơn phương gây bất ổn nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của nước này trên Biển Đông”- ông nói. Ông chủ Lầu Năm Góc tuyên bố Washington sẽ không làm ngơ khi những nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế đang bị thách thức. Trước đó, cũng tại Diễn đàn Shangri-La, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey đã cáo buộc Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự để giành lợi thế trong các cuộc tranh chấp, đồng thời cảnh báo sẽ phản ứng với các hành động hiếu chiến của Bắc Kinh. Cả Bộ trưởng Hagel và Tướng Dempsey đều ủng hộ Nhật Bản mở rộng vai trò của quân đội nhằm làm đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy một cách không hòa bình.

Biết trước sẽ bị “dí” tại Diễn đàn Shangri-La nên Trung Quốc đã cử tới hội nghị nhân vật được cho là “lợi khẩu” nhất ở Bắc Kinh: Phó Oánh - Bà này hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của quốc hội, từng kinh qua vị trí đại sứ tại Philippines, Úc, Anh và thứ trưởng ngoại giao. Sau bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Abe, bà Phó đã lập tức “phản pháo”, cho rằng Tokyo sử dụng tranh chấp với Bắc Kinh quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông như là cái cớ để làm sống lại chủ nghĩa quân phiệt. “Theo quan sát của tôi thì từ khi nắm quyền, ông ấy không quan tâm giải quyết tranh chấp quần đảo Điếu Ngư. Thay vào đó, ông ấy làm cho nó trở thành vấn đề lớn hơn. Đó là Trung Quốc như một quốc gia đang đe dọa Nhật Bản như một quốc gia. Ông ấy đã tạo ra chuyện hoang đường như vậy đó. Và sử dụng nó như một cái cớ, ông ấy đang sửa đổi chính sách an ninh của Nhật Bản. Điều đó gây lo ngại cho khu vực và cho Trung Quốc”. Bà này cũng nói rằng sự can dự của Mỹ vào những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông là không cần thiết. Khi Thượng nghị sĩ Ben Cardin, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nêu vấn đề Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bà Phó khẳng định vấn đề sẽ được giải quyết song phương và tỏ ra cay cú:”’Tôi không nghĩ rằng Ben có thể tới đó và giải quyết vấn đề thay chúng tôi”.

Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan khổng lồ vào thềm lục địa Việt Nam và điều hàng trăm tàu (có cả tàu quân sự) theo hộ tống, rồi dã man đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam là sự thật không thể chối cãi và khiến cộng đồng quốc tế hết sức bức xúc. Thiếu vắng chính nghĩa nên tại Đối thoại Shangri-La, bà Phó Oánh có “lợi khẩu” tới đâu đi nữa cũng không thể đổi trắng thay đen dù có được hà hơi tiếp sức từ Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi tiếp Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm 30-5 đã “tỉnh bơ” nói rằng tình hình ở Biển Đông “nói chung là ổn định”, đồng thời đe dọa: “Chúng tôi không bao giờ gây bất ổn, nhưng sẽ phản ứng lại bằng biện pháp cần thiết đối với những hành động khiêu khích từ các quốc gia có liên quan”.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết