18/09/2018 - 09:32

“Du lịch sinh sản” bùng nổ nhờ Trung Quốc 

Theo Bloomberg, phụ nữ Trung Quốc đang thúc đẩy ngành công nghiệp “du lịch sinh sản” trải dài từ Đông Nam Á đến miền nam California, khi nhu cầu đối với các dịch vụ như thụ tinh ống nghiệm và nhiều loại hình không thể thực hiện trong nước ngày càng tăng.

Năm 2015, Trung Quốc thông báo nới lỏng và tiến tới bãi bỏ chính sách kiềm chế tăng trưởng dân số, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con để ngăn cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Tuy nhiên, theo thống kê của Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc, nước này năm 2016 có hơn 40 triệu dân mắc các vấn đề về khả năng sinh sản.

Băng rôn dịch vụ thụ tinh nhân tạo bằng tiếng Trung Quốc tại Bệnh viện Piyavate, Thái Lan. Ảnh: Bloomberg 

Thực trạng trên buộc nhiều người Trung Quốc tìm tới công nghệ tiên tiến để giải quyết. Trung tâm nghiên cứu BIS Research ước tính, thị trường dịch vụ sinh sản ở Trung Quốc sẽ đạt 1,5 tỉ USD vào năm 2022, gấp đôi con số 670 triệu USD trong năm 2016. Tuy nhiên, theo Bloomberg, nhiều dịch vụ như thụ tinh nhân tạo vẫn còn hạn chế do các phòng khám ở Trung Quốc khá lạc hậu so với một số nước trên thế giới. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Công nghiệp Qianzhan cho biết, chỉ có 451 phòng khám trên toàn Trung Quốc cung cấp dịch vụ thụ tinh nhân tạo được chính phủ cấp phép tính đến năm 2016, đồng nghĩa cứ 10 triệu người Trung Quốc thì chỉ có 3,3 trung tâm sinh sản được cấp phép. Trong đó, tỷ lệ thụ thai thành công ở nước này cũng chỉ đạt 30%-40% so với 60%-65% tại các quốc gia như Mỹ, Thái Lan hay Malaysia. Ngoài ra, hạn chế về mặt pháp lý cũng khiến người dân Trung Quốc khó tiếp cận những dịch vụ như trữ đông tế bào trứng giúp phụ nữ bảo toàn khả năng mang thai. Bất kỳ phụ nữ Trung Quốc nào muốn trữ đông trứng đều phải có giấy chứng nhận kết hôn và có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước.

Chính những lý do trên thúc đẩy người dân nước này ra nước ngoài điều trị, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp “du lịch sinh sản” phát triển mạnh mẽ. Viện Nghiên cứu Công nghiệp Qianzhan ước tính, bệnh nhân Trung Quốc đã chi 1,1 tỉ USD để điều trị sinh sản ở nước ngoài trong năm 2016. Theo chuyên gia Huang Wenzhang tại Trung tâm về Trung Quốc và toàn cầu hóa, “công nghiệp sinh sản” là ngành có giá trị thương mại rất lớn và Bắc Kinh sẽ sớm dỡ bỏ những hạn chế đang khiến phụ nữ tìm cách ra nước ngoài thực hiện nguyện vọng của mình. “Khi Trung Quốc chuyển sang khuyến khích người dân sinh con, việc nới lỏng các phương pháp điều trị như vậy sẽ càng được cân nhắc” - vị này cho biết.

Trước xu hướng cạnh tranh thị trường, các phòng khám phụ sản ở Trung Quốc đã bắt đầu cải thiện dịch vụ, chuyên môn thậm chí mở rộng để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Năm ngoái, Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em AmCare ở Bắc Kinh đã tiến hành thương vụ mua lại phòng khám ở nước ngoài đầu tiên tại Washington. Giờ đây, AmCare có thể giúp khách hàng hoàn tất các hồ sơ cơ bản ngay tại nhà và họ chỉ cần mất vài ngày ở Mỹ để thực hiện những thủ tục cần thiết tại phòng khám như hút trứng, chuyển phôi.

Trong khi đó, công ty dịch vụ sinh sản Jinxin Fertility ở Tứ Xuyên với hỗ trợ của quỹ đầu tư Mỹ Warburg Pincus đã thu mua HRC Fertility, nơi điều hành các phòng khám phụ sản ở miền Nam California.  Một số trường hợp khác như We Doctor Holdings Ltd dưới sự hỗ trợ Tencent Holdings Ltd vừa mua lại 90% cổ phần cơ sở chuyên về thụ tinh nhân tạo Genea Ltd tại Sydney, Úc. Hay như Borderless Healthcare Group (BHG) đang phát triển trung tâm ở Thái Lan để thu hút bệnh nhân Trung Quốc.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết