31/05/2023 - 22:28

“Cai nghiện” mạng xã hội,chúng ta được gì? 

MAI QUYÊN (Theo CNA)

Khi công nghệ phát triển, các nền tảng mạng xã hội cũng trở nên thông minh hơn khiến độ “gây nghiện” của thế giới trực tuyến ngày càng cao. Xu hướng này đồng thời dấy lên nhiều lo ngại, chẳng hạn nguy cơ quyền riêng tư bị xâm phạm hoặc nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng sức khỏe tâm thần của người dùng.

Nhiều người xóa mạng xã hội vì lo ngại về những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Ảnh: Getty Images

Trong báo cáo tư vấn dài 19 trang vừa công bố, Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy cho biết dùng mạng xã hội có thể gây ra các vấn đề về hình ảnh, tác động đến hành vi ăn uống, chất lượng giấc ngủ và dẫn đến sự so sánh. Theo Bộ Y tế và Dân sinh Mỹ, có tới 95% thanh thiếu niên nước này sử dụng ít nhất một nền tảng mạng xã hội và hơn 1/3 sử dụng mạng xã hội “gần như liên tục”.

Trước những nguy cơ gây tổn hại sâu sắc sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên, báo cáo kêu gọi chính phủ xây dựng tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe phù hợp lứa tuổi cho các nền tảng công nghệ. Ðối với các công ty, Tiến sĩ Murthy đề nghị có chính sách giới hạn độ tuổi tối thiểu; tạo cài đặt mặc định cho trẻ em với tiêu chuẩn bảo mật và an toàn cao. Ông còn khuyến cáo các gia đình hạn chế thiết bị điện tử, tăng cường giao tiếp và trao đổi quan hệ xã hội.

Ðây không phải lần đầu tiên các nhà chuyên môn lên tiếng về tác động của mạng xã hội, đặc biệt đối với giới trẻ. Dựa vào các cảnh báo khoa học, ngày càng có nhiều người nhận ra xu hướng “gây nghiện” và tìm cách loại bỏ những nền tảng phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube cùng TikTok khỏi đời sống hàng ngày. Ðến đây, câu hỏi đặt ra là liệu việc bỏ mạng xã hội có giải quyết được các vấn đề gây lo ngại hay không?

Theo các chuyên gia, thật khó để xác định việc từ bỏ mạng xã hội mang lại những lợi ích rõ ràng và lâu dài như thế nào. Năm 2020, một nghiên cứu về lĩnh vực này cho thấy những người “cai” mạng xã hội cảm nhận sự cải thiện về các mối quan hệ và cảm giác hài lòng khi không bị so sánh với người khác. Nhưng cũng có một bộ phận tỏ ra không hài lòng vì bỏ lỡ thông tin và các mục giải trí được liên tục cập nhật trên các nền tảng.

Trước đó, cũng có nghiên cứu tiến hành đánh giá trạng thái tâm lý của người dùng trước và sau dùng mạng xã hội. Cụ thể, năm 2018, các nhà khoa học đã khảo sát tâm lý của 143 sinh viên Mỹ trước khi họ chỉ định một nhóm ngẫu nhiên sử dụng mỗi nền tảng Facebook, Instagram và Snapchat trong 10 phút hàng ngày. Sau 3 tuần, những người hạn chế dùng mạng xã hội có mức độ cô đơn và trầm cảm thấp hơn đáng kể. Còn trong một nghiên cứu khác năm 2019, một nửa trong số 78 tình nguyện viên được yêu cầu tạm dừng sử dụng Facebook và Instagram trong một tuần. Kết quả, những người hoạt động hăng hái trên mạng xã hội trong nhóm này không có tác động tâm lý tích cực như với nhóm kiểm soát.

Một số giải pháp hạn chế tiêu cực từ mạng xã hội

Từ những nghiên cứu trên, có thể nói quan hệ của chúng ta với mạng xã hội và cách nó ảnh hưởng đến đời sống là rất phức tạp. Các chuyên gia thừa nhận, hạn chế lớn trong các nghiên cứu về tác động của việc không sử dụng mạng xã hội là rất khó tìm người tham gia đồng ý từ bỏ mạng xã hội mãi mãi. Ðiều này khiến các nhà khoa học không thể đưa ra đánh giá toàn diện.

Ðối với một số người, họ từ bỏ mạng xã hội do lo ngại ảnh hưởng sức khỏe tinh thần và thể chất. Số khác thì chú ý đến quyền riêng tư, cũng có người không thích quảng cáo và cảm thấy đang lãng phí thời gian. Về biện pháp, có người chỉ đơn giản ngừng sử dụng các ứng dụng họ thấy khó chịu. Nhưng cũng có một bộ phận không muốn hoàn toàn từ bỏ bởi dù sao cũng phải thừa nhận rằng mạng xã hội mang lại một số lợi ích khi là không gian chia sẻ kiến thức hoặc tin tức cập nhật hàng ngày. Ðể hạn chế tiêu cực, họ chỉ tương tác với nội dung thấy hữu ích và tích cực, từ đó tăng cường kiểm soát các nguồn cung cấp dữ liệu trên mạng xã hội của mình.

Chia sẻ bài viết