05/12/2010 - 14:20

“Bây giờ, mọi người đều có thể đi máy bay”

Thành công của AirAsia gắn liền với tên tuổi của Tổng giám đốc Fernandes. Ảnh: Wikipedia 

Từ một hãng hàng không quốc doanh mắc nợ ngập đầu, AirAsia đã lột xác trở thành hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á. Không chỉ nổi tiếng trong khu vực, AirAsia ngày nay trở thành một thương hiệu toàn cầu khi chen chân thành công vào thị trường hàng không ở châu Âu và Bắc Mỹ. Người tạo nên kỳ tích cho hãng hàng không èo uột một thời của Malaysia chính là tổng giám đốc điều hành Tony Fernandes. Hôm 3-12, ông được tạp chí Forbes của Mỹ ấn bản châu Á bình chọn là “Doanh nhân của năm 2010”.

10 năm trước, khái niệm “hàng không giá rẻ” không hề tồn tại ở châu Á. Phần đông người dân lúc bây giờ chưa từng đặt chân lên máy bay. Nhưng nay, gần 20% chuyến bay trong khu vực do các hãng hàng không giá rẻ thực hiện. Ở một số nước, các chuyến bay nội địa giá rẻ chiếm thị phần thậm chí cao hơn: 34% ở Thái Lan, 49% ở Úc và 59% ở Ấn Độ. Với giá vé “mềm” và mạng lưới đường bay rộng khắp, các hãng hàng không giá rẻ đã thu hút thêm hàng chục triệu du khách đến châu Á. Đến năm 2015, theo dự báo của Trung tâm Hàng không châu Á - Thái Bình Dương ở Sydney (Úc), 50% thị phần hàng không ở châu Á sẽ thuộc về tay các hãng giá rẻ.

Sự bùng nổ của thị trường hàng không giá rẻ trong thời gian qua mang đậm dấu ấn của Tony Fernandes. Năm 2001, cựu giám đốc chi nhánh Đông Nam Á của hãng ghi âm Warner Music (Mỹ) tại Kuala Lumpur đã thuyết phục được Chính phủ Malaysia giao cho ông tiếp quản hãng hàng không AirAsia đang oằn lưng với khoản nợ 40 triệu USD và chỉ có duy nhất 2 máy bay. Dưới bàn tay của Fernandes, AirAsia nhanh chóng “thay da đổi thịt” khi đi theo mô hình của Skytrain - hãng tàu điện ngầm giá rẻ đầu tiên ở châu Âu mà ông vốn rất tâm đắc trong thời gian du học ở Anh. Với phương châm “Bây giờ, mọi người đều có thể đi máy bay”, AirAsia nhắm tới phục vụ 65 triệu dân Malaysia chưa từng có cơ hội ngồi máy bay và đã thành công khi chỉ trong một thời gian ngắn ăn nên làm ra. Chính thành công của AirAsia đã kéo theo sự ra đời của hơn hai chục hãng hàng không giá rẻ ở châu Á.

Hiện nay, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á này đang quản lý gần 8.000 nhân viên, 100 máy bay và 140 tuyến bay trong đó có 40 tuyến chưa từng có hãng nào khai thác. Đội bay của AirAsia có mặt khắp mọi nơi, từ Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ cho đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông, Úc, châu Âu và Bắc Mỹ. Theo tạp chí Forbes, 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của tập đoàn AirAsia tăng 18% lên 562 triệu USD, trong đó lợi nhuận ròng đạt 131 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 10 vừa qua, AirAsia vượt ngưỡng phục vụ 100 triệu hành khách, trong đó có đến một nửa mới đi máy bay lần đầu.

AirAsia giống các hãng hàng không giá rẻ trên thế giới ở hầu hết các mặt như đặt vé trực tuyến, không thức ăn và thức uống miễn phí, chú trọng khai thác các tuyến bay đường ngắn và trung, thời gian lên xuống khách ở sân bay nhanh... Tuy nhiên, AirAsia tạo sự khác biệt khi phát triển theo cấu trúc mạng lưới, cho phép hãng hoạt động hiệu quả khi mở rộng hoạt động ngoài nước. Hiện nay, ngoài công ty mẹ ở Malaysia, AirAsia còn lập 2 công ty con ở Indonesia, Thái Lan và đang có kế hoạch mở thêm những công ty liên doanh dạng này ở Việt Nam và Philippines. Theo Fernandes, nếu không có phương thức hoạt động này, AirAsia sẽ chỉ bay quanh quẩn ở Malaysia. Một điểm khác biệt nữa chính là chi phí hoạt động của AirAsia, được xếp vào hàng thấp nhất trên thế giới, chỉ với 3,53 xu Mỹ cho mỗi km đường bay (quí 2/2010). Tuy nhiên, lợi nhuận đạt được không ít khi vé bán ra với mức 4,87 xu Mỹ/km. Chưa hết, AirAsia còn ăn điểm ở chất lượng phục vụ. Liên tiếp trong 2 năm qua, hãng này được hành khách bình chọn là hãng hàng không giá rẻ tốt nhất trên thế giới.

Điều gì đã làm nên thương hiệu của AirAsia? Trả lời phỏng vấn đài truyền hình BBC của Anh tuần qua, sếp Fernandes tiết lộ hãng hàng không của ông có được thành công như hôm nay là nhờ ông luôn xem 8.000 nhân viên của mình là “số 1” và “số 2” là hành khách. “Nếu anh có trong tay lực lượng lao động hết mình vì công việc, họ sẽ phục vụ khách hàng của anh bằng bất cứ giá nào”. Còn theo đánh giá của Forbes, thành công của AirAsia bắt nguồn từ văn hóa kinh doanh phi truyền thống của Tổng giám đốc Fernandes. “Ở hầu hết các công ty tại châu Á, dàn lãnh đạo cao cấp thường ôm đồm mọi thứ trong khi đội ngũ nhân viên chỉ làm sổ sách thống kê. Ở AirAsia, chúng tôi hoạt động theo cấu trúc phẳng. Chúng tôi để nhân viên được là chính họ, chúng tôi không cầu kỳ, mọi người đều có bàn làm việc như nhau và không ai có chức danh thật sự. Chúng tôi luôn khuyến khích nhân viên sáng tạo và thử sức với những ý tưởng mà hầu hết các công ty ở châu Á chưa từng nghĩ đến”, Fernandes chia sẻ với tạp chí Forbes.

CHÂU MAI
(Theo Forbes, AFP, TodayOnline, Bermana)

Thành công của AirAsia gắn liền với tên tuổi của Tổng giám đốc Fernandes. Ảnh: Wikipedia 

Chia sẻ bài viết