03/08/2020 - 20:39

“Bất ngờ tháng 10” của ông Trump là gì? 

Cùng với “lá bài” Trung Quốc, nhiều người dự đoán Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục đẩy mạnh những sự kiện mang tính thời sự khác để lấy lòng công chúng trước cuộc bầu cử vào tháng 11.

Tổng thống Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: NK News

Ðây là chiến lược thường thấy trong các mùa bầu cử Mỹ với tên gọi “October surprise” hay “bất ngờ tháng 10”. Khái niệm này được dùng chỉ sự kiện nóng diễn ra ngay trước thềm bầu cử, có khả năng tác động mạnh tới lá phiếu của cử tri. Ðiển hình nhất là kỳ bầu cử năm 1980, người Mỹ lúc ấy đối mặt vấn đề an ninh nghiêm trọng khi 52 công dân nước này bị bắt làm con tin ở Iran từ tháng 4-1979.

Ðảng Cộng hòa khi đó lo lắng một thỏa thuận giải cứu con tin vào giờ chót có thể tạo bước ngoặt giúp Tổng thống Jimmy Carter của phe Dân chủ đánh bại ứng viên Ronald Reagan và tái đắc cử. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Ðến ngày 20-1-1981, Iran bất ngờ thả toàn bộ số con tin chỉ 20 phút sau khi ông Reagan tuyên thệ nhậm chức, chấm dứt cuộc khủng hoảng. Sau hàng thập kỷ, nhiều người vẫn tin thuyết âm mưu về “cái bắt tay” giữa ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Reagan và chính quyền Tehran nhằm kéo dài cuộc khủng hoảng con tin.

Vấn đề Triều Tiên

Bầu cử vẫn diễn ra vào ngày 3-11

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đề cập khả năng hoãn cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, Nhà Trắng và Ban vận động tranh cử của ông Trump ngày 2-8 khẳng định cuộc bầu cử sẽ vẫn diễn ra vào ngày 3-11 tới theo lịch dự kiến.

 Trả lời phỏng vấn trong chương trình “Face the Nation” trên đài CBS, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows nhấn mạnh Tổng thống Trump nêu quan ngại về hình thức bỏ phiếu qua bưu điện khi đề cập việc hoãn bầu cử. Theo đó, ông Meadows khẳng định cuộc bầu cử sẽ vẫn diễn ra vào ngày 3-11 và “Tổng thống sẽ giành chiến thắng”.

Ðồng quan điểm với ông Meadows, cố vấn chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, ông Jason Miller phát biểu trong chương trình truyền hình “Fox News Sunday” cũng khẳng định cuộc bầu cử sẽ vẫn được tổ chức vào ngày 3-11 và bản thân Tổng thống Trump cũng muốn cuộc bầu cử diễn ra theo đúng lịch dự kiến.

Trở lại mùa bầu cử năm nay, giới phân tích cho rằng “bất ngờ” có thể xảy ra quanh CHDCND Triều Tiên khi một số nguồn tin tiết lộ chính quyền Trump đang tìm cách đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Trong quyển hồi ký xuất bản gần đây, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng đoán Nhà Trắng sẽ gây “kinh ngạc” bằng cách khởi động một cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa khác với quốc gia Ðông Bắc Á.

Nhưng dù chính quyền Trump ấp ủ kế hoạch gì, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui từng tuyên bố nước này không cần đối thoại trực tiếp với Mỹ, bởi Washington chỉ coi các cuộc đàm phán giữa hai bên là công cụ xử lý khủng hoảng chính trị. Ngoài ra, chuyên gia Harry Kazianis cho biết thách thức nữa cho ông Trump là bất kỳ tình huống nào liên quan Bình Nhưỡng cũng không thoát khỏi yếu tố Trung Quốc. Xét bối cảnh quan hệ hai cường quốc ngày càng xấu đi, sẽ khó cho Mỹ nếu vừa muốn đối phó sự lớn mạnh của Bắc Kinh cùng lúc giải quyết chương trình hạt nhân Triều Tiên.

Do đó thay vì đàm phán, Giáo sư Chung Kuyoun tại Ðại học Quốc gia Kangwon (Hàn Quốc) cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể mang đến cho ông Trump “bất ngờ tháng 10” khác bằng cách tiến hành thử tên lửa, thậm chí có những hành động leo thang trong thời gian ngắn. Ðây là phương thức cũ mà họ vẫn sử dụng nhằm tăng sức mạnh đòn bẩy chính trị.

Hoặc dự án vaccine ngừa COVID-19

Bên cạnh dự đoán về Triều Tiên, các nhà khoa học lo lắng tiến trình phát triển vaccine ngừa COVID-19 có thể bị lợi dụng như một “bất ngờ tháng 10”, giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng sức khỏe và hồi sinh cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Trump.

Gần đây, ông Trump không ngừng phát đi tín hiệu lạc quan rằng Mỹ sẽ sớm có vaccine COVID-19. Trong chuyến thăm phòng thí nghiệm công nghệ sinh học ở Bắc Carolina tuần rồi, chủ nhân Nhà Trắng cam kết chính quyền sẽ cung cấp vaccine phòng bệnh trong “thời gian kỷ lục”. Con rể của tổng thống kiêm cố vấn cấp cao Jared Kushner trong vai trò hỗ trợ chỉ đạo chiến dịch tái tranh cử của Nhà Trắng cũng thường xuyên tham gia các cuộc họp hội đồng giám sát dự án phát triển vaccine.

Theo các chuyên gia, Washington đã để “hụt” mục tiêu ban đầu là sản xuất vaccine COVID-19 hàng loạt vào tháng 10 nhưng chính quyền Trump vẫn đẩy mạnh nỗ lực hợp tác giữa nhiều công ty dược phẩm với khả năng hàng trăm triệu liều hiệu quả và an toàn sẽ được đưa tới người Mỹ vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2021. Tuy nhiên, xét thấy thời gian bầu cử ngày càng đến gần, các chuyên gia trong và ngoài chính phủ e ngại Nhà Trắng có thể gây sức ép lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, ít nhất là phê duyệt khẩn cấp cho phép tiêm vaccine trên các nhóm nhân viên y tế tuyến đầu trước thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu.

MAI QUYÊN (Theo NYT)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
ông Trump