24/01/2021 - 08:20

Ðại hội Ðảng lần thứ XIII trong dư luận quốc tế 

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sắp diễn ra tại thủ đô Hà Nội là một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng không chỉ thu hút sự quan tâm của người Việt Nam ở trong và ngoài nước, mà còn cả đối với dư luận quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 diễn ra hồi tháng 11-2020 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Báo The Sunday Times nhận định Việt Nam đang chuẩn bị Ðại hội Ðảng lần thứ XIII trong điều kiện thuận lợi mà không nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay có được, như đại dịch COVID-19 được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo “tiến nhanh” hơn, môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn, nỗ lực chống tham nhũng ở cấp cao giúp nâng cao uy tín của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong nhân dân…

Sự sáng suốt và hiệu quả trong đối nội

 Tạp chí “Thế giới đa cực” của Nga vừa đăng bài viết dài 6 trang của phóng viên Pavel Vinogradov, trong đó tập trung phân tích bối cảnh cũng như ý nghĩa của Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đối với đời sống chính trị-xã hội tại Việt Nam.

 Dưới tiêu đề “Ðại hội XIII của Ðảng Cộng sản Việt Nam - cột mốc lịch sử trong đời sống Việt Nam”, bài viết cho rằng những quyết định và nghị quyết được thông qua tại Ðại hội có ý nghĩa hết sức to lớn đối với một đất nước có gần 100 triệu dân, đang phát triển năng động và tự tin hướng tới mục tiêu trở thành “một quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Theo bài viết, 90 năm kể từ khi Ðảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đến nay, Ðại hội Ðảng luôn là sự kiện có ý nghĩa to lớn, đánh dấu bước khởi đầu của một giai đoạn mới trong đời sống xã hội Việt Nam. Bài báo nêu rõ: “Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn trung thành với lý tưởng và truyền thống cách mạng, là người lãnh đạo thực sự của toàn dân, đại diện cho những mong muốn và lợi ích sống còn của người dân. Ðược Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập vào năm 1930, đến nay Ðảng Cộng sản vẫn là động lực đảm bảo thắng lợi cho công cuộc kiến tạo hòa bình, xây dựng xã hội công bằng, củng cố an ninh quốc gia và bảo vệ Tổ quốc”.

 Tác giả bày tỏ tin tưởng Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của Việt Nam theo hướng hiện đại, kể cả trong lĩnh vực công nghệ cao. Theo tác giả, Việt Nam tự đặt cho mình những nhiệm vụ lớn hơn và tham vọng hơn, tính đến những thay đổi đang diễn ra trong xã hội và tình hình thực tế trên trường quốc tế, với các mốc kỷ niệm trọng đại 100 năm thành lập Ðảng và 100 năm thành lập nước. Nội dung các dự thảo văn kiện trình Ðại hội thể hiện tầm nhìn chiến lược và cách tiếp cận sáng tạo của các cơ quan lãnh đạo của Ðảng, cũng như quyết tâm của dân tộc Việt Nam phấn đấu xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

 Bài viết còn trích dẫn số liệu từ các tổ chức quốc tế và báo chí nước ngoài, khẳng định những thành tựu nổi bật mà Việt Nam đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực kể từ Ðại hội XII đến nay, nhất là trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, phòng chống dịch bệnh. Tác giả khẳng định “tất cả những số liệu này là bằng chứng thuyết phục về sự sáng suốt và hiệu quả trong chính sách đối nội mà các nhà lãnh đạo Việt Nam theo đuổi từ nhiều năm nay”.

 Vị thế quốc tế ngày càng tăng

Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Praha về những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trước thềm Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng, Tiến sĩ Takashi Hosoda - chuyên gia nghiên cứu về khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc trường Ðại học Tổng hợp Charles (Cộng hòa Czech), cho biết:  Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại, đặc biệt là thiết lập các cơ chế hợp tác song phương và đa phương để kết nối với thế giới. Ðiều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam.

 Tiến sĩ Hosoda đánh giá cao chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, cũng như vai trò và sự đóng góp của Việt Nam trong những năm gần đây đối với Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) và khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, cho rằng vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong khu vực và trên thế giới. Theo ông, trong bối cảnh tình hình thế giới năm 2020 xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc tới các mối quan hệ quốc tế, nhưng Việt Nam vẫn được tôn vinh khi đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung trong quan hệ với các đối tác, cũng như góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy giải pháp đa phương cho các vấn đề liên quan tới hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực Ðông Nam Á nói riêng và khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương nói chung, trong đó có vấn đề Biển Ðông. Ðiều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với riêng Việt Nam, mà còn đối với các quốc gia ở châu Á.

Tiến sĩ Hosoda cũng nhận định Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại đa phương quan trọng như Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Anh. Ðiều này góp phần quan trọng tạo động lực để Việt Nam phát triển kinh tế. Bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác đa phương, Việt Nam cũng chú trọng củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác song phương với các nước láng giềng và các đối tác quan trọng như Mỹ, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Pháp, Ý, Anh... nhằm tạo môi trường hòa bình, thuận lợi để bảo vệ lợi ích quốc gia và phát huy tiềm lực đất nước.

Cùng chia sẻ quan điểm trên, Tiến sĩ Jan Hornat, chuyên gia nghiên cứu về khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, thuộc Ðại học Tổng hợp Charles cũng đề cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong mối quan hệ quốc tế. Ðiều này được thể hiện thông qua quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các cường quốc thế giới và khu vực không ngừng được tăng cường trong những năm qua, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Những thành tựu ấn tượng

Trang mạng aseantoday.com  có bài viết nêu rõ Việt Nam tiếp tục đạt thành công ấn tượng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và tăng trưởng kinh tế, chủ yếu nhờ ý chí chính trị mạnh mẽ và các biện pháp quyết liệt của chính phủ và người dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Bài viết kỳ vọng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII - sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, sẽ mang đến những thay đổi mới tích cực cho Việt Nam.

Theo bài viết, kể từ khi đại dịch bùng phát, Việt Nam đã trở thành điểm sáng, hình mẫu trong việc kiểm soát thành công COVID-19. Khi cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu bước sang năm thứ hai, Việt Nam tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19. Năm 2020, Việt Nam cũng đạt được những dấu mốc quan trọng về ngoại giao đa phương, với vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Về mặt kinh tế, năm 2020, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 2,91%, một trong những mức tăng cao nhất trên thế giới bất chấp đại dịch COVID-19. Không chỉ vậy, Việt Nam cũng đạt được tiến bộ trong công nghệ và giáo dục thông qua đại dịch COVID-19. Năm 2020, Việt Nam có những bước tiến trong phát triển mạng 5G, sử dụng thiết bị do ngành công nghiệp trong nước và Tập đoàn Viettel sản xuất. Về mặt kỹ thuật số, Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số toàn quốc, vốn đã làm thay đổi phần lớn nền hành chính công.

P.V (TTXVN)

Chia sẻ bài viết