24/01/2021 - 08:20

Ðại dịch không ngăn được du lịch y tế 

Đại dịch COVID-19 đã tàn phá ngành du lịch y tế, nhưng nhu cầu về điều trị bệnh với giá cả phải chăng ở nước ngoài vẫn tăng cao.

Jeff Somerville đã bỏ ra 7.000 USD để mão răng ở Mexico. Ảnh: NYT

SARS-CoV-2 đã đẩy hàng triệu người Mỹ vào cảnh nghèo đói và tước bỏ bảo hiểm y tế của hơn 5,4 triệu công nhân xứ cờ hoa. Trong bối cảnh ngành y tế trong nước phải gồng mình chống dịch cùng với việc điều trị tại địa phương quá tốn kém, nhiều người buộc lòng phải ra nước ngoài chữa bệnh bất chấp nỗi sợ bị lây nhiễm virus Corona, làm gia tăng số tour du lịch y tế. Trong số này có Melissa Jackson, kỹ thuật viên làm đẹp 39 tuổi mắc lạc nội mạc tử cung. Do chi phí điều trị trong nước quá đắt đỏ, lên tới 20.000 USD, Jackson buộc phải tìm cách đến Mexico trị bệnh, với chi phí phẫu thuật cắt tử cung vào khoảng 4.000 USD. Tương tự, Jeff Somerville, tiếp viên của Hãng hàng không Delta Air Lines cũng đã bỏ ra 7.000 USD để mão răng ở Mexico thay vì tốn 25.000 USD tại Mỹ. Sắp tới, Somerville sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ để cấy râu và tóc, với chi phí tổng cộng là 3.000 USD.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Du lịch Y tế Mỹ, nhu cầu về phẫu thuật không cần thiết tăng mạnh sau khi hơn 177.000 ca phẫu thuật theo lịch trình tại Mỹ bị hoãn lại trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6 năm ngoái. “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu du lịch chữa bệnh bị dồn nén trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt là ở Mỹ, nơi ngày càng nhiều người dân vượt biên qua Mexico để khám chữa bệnh” - David G. Vequist IV, nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Du lịch Y tế, nói với Thời báo New York.

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hàng triệu người Mỹ đã đổ xô đến các nước khác chữa bệnh nhằm tiết kiệm từ 40-80% chi phí điều trị. Theo đó, Mexico và Costa Rica trở thành những điểm đến chăm sóc răng miệng, phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến nhất của người Mỹ, trong khi Thái Lan, Ấn Ðộ và Hàn Quốc thu hút các bệnh nhân chỉnh hình, tim mạch, điều trị ung thư và sinh sản. Theo Văn phòng Du lịch và Lữ hành Quốc gia Mỹ, trong năm 2019, 1,1% người Mỹ đã xuất ngoại để chăm sóc sức khỏe, không bao gồm hàng ngàn người vượt biên giới sang Mexico chữa bệnh.

Song, dịch bệnh đã khiến cho các tour du lịch y tế giảm mạnh. Medical Departures, cơ quan du lịch y tế có trụ sở tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) cho biết, vào tháng 4 năm ngoái, sau đợt phong tỏa toàn cầu ban đầu nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19, các tour du lịch y tế tới các điểm đến phổ biến nhất gồm Mexico, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc giảm hơn 89%. Kể từ tháng 8, tình hình trở nên khả thi hơn nhưng lượng khách đặt phòng ở Mexico, nơi có lượng khách du lịch Mỹ tăng lên trong những tháng gần đây, vẫn giảm 32% so với giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2019. “Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn nhận thấy ngày càng có nhiều người đi du lịch hoặc đặt vé các chuyến du lịch y tế để đáp ứng nhu cầu sức khỏe khẩn cấp của họ, đặc biệt là giữa biên giới Mỹ và Mexico, nơi bệnh nhân có thể đi lại an toàn bằng ô tô” - Paul McTaggart, người sáng lập Medical Departures, cho biết.

Trung tâm Nghiên cứu Du lịch Y tế phát hiện, kể từ tháng 7-2020, số lượt tìm kiếm cụm từ “Du lịch chữa bệnh Mexico” ở Mỹ trên “gã khổng lồ” tìm kiếm Google tăng 64% so với lúc trước khi các biện pháp hạn chế đi lại được áp đặt hồi tháng 3.

Theo các trung tâm nghiên cứu du lịch y tế, thị trường du lịch y tế toàn cầu đạt 104,68 tỉ USD vào năm 2019 và dự kiến sẽ đạt con số 273,72 tỉ USD vào năm 2027.

TRÍ VĂN (Theo NYT, Business Wire)

Chia sẻ bài viết