15/10/2017 - 16:24

Nông dân “đổi đời” nhờ trồng mãng cầu 

Cây mãng cầu đã trở thành “vị cứu tinh” đối với hàng trăm hộ dân xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Nhờ mãng cầu mà nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giả…

Người nông dân dày công chăm sóc cây mãng cầu, loại cây đã giúp họ “đổi đời”.

Thay lúa bằng mãng cầu

Chỉ chuyển sang trồng mãng cầu chưa được bao lâu nhưng kinh tế của các hộ dân ở xã Hiệp Lợi đã dần chuyển sang mức ổn định, nhiều hộ khá giả, mức thu nhập hơn nhiều so với trồng lúa thu nhập thấp, rủi ro cao.

Là một trong những người tiên phong trồng cây mãng cầu trên địa bàn xã Hiệp Lợi, ông Nguyễn Thành Giáp (ấp Xẻo Vông B, xã Hiệp Lợi), cho biết: Cách đây khoảng 10 năm, thấy làm lúa chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình. Qua tìm hiểu được biết cây mãng cầu cho thu nhập khá cao, đầu ra ổn định, lại còn ít sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc, nên tôi quyết định chuyển đổi sang trồng mãng cầu. Lúc đầu chỉ trồng 5.000m2. Sau đó, thấy thu nhập ổn định, đầu ra đều đặn, kinh tế gia đình bắt đầu dư dả nên tôi chuyển đổi tất cả sang trồng mãng cầu...”. Đến nay gia đình ông Giáp có khoảng 1,8 ha đất trồng mãng cầu.

Theo ông Giáp, dù giá cả có khi thấp khi cao, nhưng nhìn chung  trồng mãng cầu vẫn có đầu ra và thu nhập ổn định hơn cây lúa. Hiện nay, giá mãng cầu dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất lên đến 30.000 – 35.000 đồng/kg. 1 ha mãng cầu có thể thu hoạch được khoảng 4 tấn trái. Nếu thuận lợi, mỗi năm có thể thu lợi nhuận được 600 – 700 triệu/ha, cao gấp 10 lần so với làm lúa. “Nhờ mãng cầu mà đời sống kinh tế gia đình tôi thoải mái, ổn định hơn trước. Con cái tôi muốn học tới đâu tôi cũng có khả năng lo” - ông Giáp chia sẻ.

Với kinh nghiệm nhiều năm trồng mãng cầu, ông Giáp cho biết, để trồng mãng cầu thu được năng suất và thu nhập cao cần giữ khoảng cách thích hợp giữa các cây và phải thụ phấn thích hợp để mỗi nụ hoa được búng đều, cho trái tròn, đẹp, bán giá cao. Cây mãng cầu trồng được 18 tháng sẽ bắt đầu cho trái nhưng từ 3 năm trở đi thì cây cho năng suất cao, ổn định. Mùa thuận của mãng cầu là từ tháng 11 đến tháng 3, tháng 4 năm sau. Nhưng để được giá người dân phải xử lý cho trái nghịch mùa. Tháng 4 bắt đầu làm cho ra bông, thụ phấn, đến khoảng tháng 10 thu hoạch giá sẽ tốt hơn các tháng khác.

Nhà cửa khang trang… nhờ mãng cầu

Tương tự, anh Nguyễn Văn Bình (ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi) cũng là một hộ dân thoát nghèo nhờ cây mãng cầu, cho biết gia đình anh đã trồng mãng cầu được khoảng 7 năm với diện tích 4.000m2, mỗi năm thu được khoảng 300 triệu đồng. “Nhờ mãng cầu mà tôi mua thêm được 3,5 công đất, xây dựng nhà cửa cao ráo, khang trang trên 400 triệu đồng. Trồng mãng cầu chỉ cực khi cây còn nhỏ, thỉnh thoảng chăm sóc, xịt rầy. Sau khi thu hoạch thương lái vô tận nơi để thu mua nên rất thuận lợi” - anh Bình cho biết. Ngoài ra, trên địa bàn xã Hiệp Thành, còn rất nhiều hộ dân khác đã “đổi đời” nhờ cây mãng cầu.

Chạy dọc các tuyến đường liên ấp của xã Hiệp Lợi, chúng ta dễ dàng trông thấy những căn nhà tường cao ráo, khang trang. Mới nhìn thoáng qua, ít ai biết được trước đây đời sống của người dân rất khó khăn, khổ cực, thiếu thốn trăm bề. Ông Nguyễn Hữu Thành, Trưởng ấp Xẻo Vong B, xã Hiệp Lợi, kể: Trước đây đời sống người dân địa phương gặp nhiều khó khăn, trồng lúa năm trúng năm thất, thu nhập bấp bênh. Sau đó nhiều hộ chuyển sang trồng mãng cầu và thu được năng suất cao. Dần dần trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế địa phương. Hiện nay, toàn ấp có khoảng 100 hộ trồng mãng cầu với diện tích khoảng 50 ha. Các hộ trồng đều có kinh tế khá giả, đời sống ổn định. “Trong 10 hộ trồng mãng cầu đã có 9 hộ thoát nghèo. Những ngôi nhà tường khang trang, sạch đẹp trên tuyến đường này tất cả đều nhờ cây mãng cầu” - ông Thành khẳng định.

  Ông Nguyễn Văn Đèn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Lợi, cho biết: Trên địa bàn xã có 200 hộ trồng mãng cầu với diện tích khoảng 140 ha, tập trung ở ấp Xẻo Vong A, Xẻo Vong B và Láng Sen. Cây mãng cầu đã “gánh vác” và giải quyết tốt công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Nhiều bà con đã vươn lên thoát nghèo thành công, nhiều hộ còn trở nên khá giả, giàu có. “Nhờ cây mãng cầu, số hộ nghèo trong xã từ 7% đến nay giảm xuống chỉ còn 3%” - ông Đèn cho biết.

Theo ông Đèn, sắp tới xã sẽ định hướng xây dựng tổ hợp tác tạo điều kiện xây dựng thương hiệu mãng cầu xiêm trên thị trường. Theo đó, địa phương khuyến khích các hộ nhỏ lẻ trồng cây ăn trái trong đó có mãng cầu và tăng cường công tác phòng trị bệnh ở cây trồng để nông dân yên tâm sản xuất.

Bài, ảnh: ĐÌNH PHONG

Chia sẻ bài viết