22/10/2017 - 17:07

Giáo dục đại học

Đa dạng hóa ngành nghề, đáp ứng nhu cầu xã hội 

Đi đôi với đầu tư nguồn lực, các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ở TP Cần Thơ còn đa dạng hóa ngành nghề, hình thức đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.

TP Cần Thơ hiện có 5 trường ĐH công lập và ngoài công lập; chưa kể mạng lưới các trường CĐ, học viện, với quy mô hàng ngàn học sinh sinh viên. Năm học 2017-2018, giáo dục ĐH ở Cần Thơ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; theo hướng tập trung đẩy mạnh tự chủ ĐH; nâng cao chất lượng đào tạo bằng cách gắn kết với nhu cầu của thị trường lao động. Trong đó quan trọng nhất là tiếp tục đa dạng hóa ngành nghề, hình thức đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người dân vùng ĐBSCL.

Tháng 9-2017, Trường ĐH Nam Cần Thơ đưa vào sử dụng Trung tâm Thư viện điện tử, phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học của sinh viên, giảng viên.

Trường ĐH Cần Thơ tiếp tục mở rộng quy mô, ngành nghề trên cơ sở đảm bảo chất lượng đào tạo; đồng thời bám sát với nhu cầu thực tế phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Trường phấn đấu mở ít nhất 7 chương trình đào tạo chất lượng cao bậc ĐH, 16 chương trình đào tạo chất lượng bậc sau ĐH và có ít nhất 3 chương trình đào tạo quốc tế hoặc chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài.

Theo Trường ĐH Cần Thơ, năm 2017, trường có thêm một số ngành mới bậc ĐH chính quy: Hóa dược, Kỹ thuật vật liệu, Chính trị học, Xã hội học. Đối với hệ vừa làm vừa học, trường đã liên kết với một số trường ĐH có uy tín tuyển sinh đào tạo. Như liên kết với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn- ĐH Quốc gia Hà Nội đào tạo các ngành: Báo chí, Khoa học quản lý, Lưu trữ học, Quản trị văn phòng, Công tác xã hội. Ông Ngô Hồng Phương, Chánh Văn phòng Trung tâm liên kết đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Mới đây, trường có văn bản về việc liên kết đào tạo với Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp đào tạo mới 3 ngành: Thiết kế đồ họa, Thiết kế Nội thất, Thiết kế thời trang. Qua đó, tạo cơ hội cho người dân ĐBSCL học tập các ngành này tại trường, rút ngắn khoảng cách cũng như giảm thời gian, chi phí đi lại”.

Còn ĐH Nam Cần Thơ năm nay mở mới 4 ngành trong tổng số 20 chuyên ngành ĐH. Trong khi đó Trường CĐ Cần Thơ dự kiến mở mới 9 ngành ngoài sư phạm: Tài chính tín dụng, Tài chính doanh nghiệp, Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, Marketing,  Bảo vệ môi trường đô thị, Công nghệ kỹ thuật tài nguyên nước, Quản lý xây dựng, Quản trị mạng máy tính, Thiết kế trang web. Theo Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, trước khi mở mã ngành mới, trường dựa vào nhu cầu xã hội đang cần cũng như nguồn lực hiện có của trường. Những ngành dự kiến mở năm 2018, trường vốn có thế mạnh về nhân lực lẫn vật lực. 

Có thể nói, khoảng 10 năm trở lại đây, tổng thể bức tranh giáo dục ĐH ở TP Cần Thơ đã có sự khởi sắc rõ nét. Phần lớn các trường đều mở ít nhất từ 2-5 ngành học mới, với chỉ tiêu tuyển sinh tăng từ 10%-20%. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo, tùy mỗi trường có sự đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng. Như ĐH Nam Cần Thơ, 5 năm qua đã đầu tư hàng tỉ đồng để hoàn thiện cơ sở vật chất (giai đoạn 2), hiện đại hóa trang thiết bị thực hành thực tập, đảm bảo phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên. Tháng 9-2017, trường đưa vào sử dụng Trung tâm Thư viện điện tử, diện tích 4.200m2, với tổng kinh phí đầu tư trên 50 tỉ đồng. Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng nhà trường, việc đưa vào sử dụng Trung tâm Thư viện điện tử, tạo điều kiện cho sinh viên, giảng viên tra cứu nguồn tài nguyên học liệu phục vụ dạy và học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Dự kiến, cuối tháng 12-2017, trường sẽ tổ chức khởi công xây dựng Bệnh viện trường, quy mô 300 giường bệnh, tổng kinh phí đầu tư khoảng 600 tỉ đồng, nhằm phục vụ công tác khám chữa bệnh, thực hành thực tập cho sinh viên khối ngành y dược.

Giờ học thực hành của sinh viên Trường ĐH Cần Thơ.

Theo Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ, trong xu thế hội nhập, trường sẽ chọn một số ngành đào tạo để kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn AUN. Trường tiếp tục nâng cao số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ, đầu tư phát triển cơ sở vật chất. Đối với Trường ĐH Cần Thơ, năm học 2017-2018, trường hiện đại hóa trang thiết bị thực hành thực tập phục vụ các ngành nghề đào tạo. Đặc biệt đầu tư trang thiết bị, đưa vào hệ thống hệ thống phần mềm để triển khai đào tạo các ngành đại học từ xa bằng hình thức trực tuyến. Qua đó, giúp người học tiết kiệm thời gian, chi phí…

Thực tế, dù có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo nhưng các trường có một số khó khăn riêng. Trong đó, phải kể đến nguồn cán bộ giảng viên có trình độ tiến sĩ, cũng như thiết bị thực hành vẫn còn thiếu thốn. Do đó, để nâng cao hiệu quả đào tạo, đòi hỏi sự trợ lực và liên kết cùng nhau phát triển. Theo Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, trường cần liên kết với doanh nghiệp để tăng cường thiết bị giảng dạy. Mặt khác các trường cũng nên “ngồi lại” với nhau để liên kết, chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ nhau để tránh lãng phí trong đào tạo, tránh trùng lắp khi mở mã ngành… Để làm được điều này, rất cần sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo ngành và cần có một “nhạc trưởng” để làm đầu mối gắn kết.

Bải, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết