29/06/2011 - 08:48

Xung quanh việc ICC truy nã lãnh đạo Libye

Ông Gadhafi bắt tay những người ủng hộ ông ở Libye. Ảnh: AP

Việc Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở La Haye (Hà Lan) ngày 27-6 ra lệnh truy nã nhà lãnh đạo Libye Muammar Gadhafi cùng con trai Saif al-Islam và giám đốc cơ quan tình báo Abdellah al-Senussi vì tội chống lại loài người đang gây ra những phản ứng khác nhau trong cộng đồng quốc tế. Câu hỏi đặt ra là vì sao ICC có kết luận rất nhanh, chỉ sau vài tháng điều tra một vấn đề khá phức tạp đối với nhà lãnh đạo của một quốc gia?

Thực thi công lý?

Các thẩm phán ICC buộc tội 3 quan chức Libye là “giết người” và “ngược đãi”, sau khi công tố viên Luis Moreno-Ocampo (tiến hành điều tra theo yêu cầu của LHQ hồi tháng 2) trưng ra cái mà ông gọi là “bằng chứng” tố cáo Đại tá Gadhafi cùng với al-Islam và al-Senussi đã phối hợp để tấn công dân thường Libye. Ngày 27-6, ba thẩm phán ICC kết luận các lực lượng an ninh Libye “đã thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào dân thường tham gia biểu tình chống chính quyền hoặc những người bất đồng với chính phủ, sát hại và làm bị thương cũng như bắt và giam giữ hàng trăm người trên khắp đất nước Libye”.

Các quan chức ở Tripoli lập tức bác bỏ tuyên bố trên, cho rằng ICC là tổ chức bất hợp pháp. Theo các nhà phân tích, lệnh truy nã của ICC chắc chắn sẽ khiến ông Gadhafi có quyết định dứt khoát hơn, không tham gia vào thỏa thuận chia sẻ quyền lực với phe nổi dậy, làm phức tạp thêm những nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được một nghị quyết hòa bình cho cuộc xung đột tại quốc gia Bắc Phi. Bởi lẽ, nếu ông Gadhafi thay đổi quan điểm chấp nhận từ bỏ quyền lực và sống lưu vong (như đề xuất trước đây của các nước phương Tây), thỏa thuận đó sẽ phải giải quyết thêm vấn đề là đảm bảo ông không bị bắt theo yêu cầu của ICC.

Hay công cụ của phương Tây?

Nhiều nguồn tin cho biết quyết định của ICC đã nhận được sự hoan nghênh của phe đối lập ở Libye và phương Tây. Ông Mustafa Abdel Jalil, Chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp Dân tộc (NTC) của lực lượng đối lập, cho rằng “công lý đã được thực hiện” và tuyên bố “sẽ làm tất cả có thể để đưa ông Gadhafi ra tòa”. Cùng ngày 27-6, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố lệnh bắt giữ của ICC chứng tỏ chính quyền của ông Gadhafi đang ngày càng bị cô lập. Tại Mỹ, Nhà Trắng tuyên bố ông Gadhafi “đã mất tính hợp pháp”. Pháp và Anh - hai nước cầm đầu chiến dịch không kích Libye - cũng lên tiếng hoan nghênh phán quyết của ICC. Ý cho rằng sau lệnh bắt giữ của ICC, ông Gadhafi không thể đóng một vai trò gì trong tương lai của Libye.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Libye, ông Mohammed al-Gamudi đã cực lực phản đối lệnh truy nã của ICC, cho rằng đó là “vỏ bọc cho chiến dịch đánh bom của NATO nhằm ám sát ông Gadhafi”. Ông al-Gamudi cho biết Libye không phải là thành viên của Hiệp ước Roma về thành lập ICC tại La Haye, vì vậy “không chấp nhận quyền tài phán của tòa án này”.

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma cũng đã bày tỏ thất vọng về phán quyết của ICC. Ông nói: “Thật đáng tiếc là ICC lại đưa ra một quyết định như vậy trong khi Liên minh châu Phi (AU) đang nỗ lực hết sức để giải quyết xung đột tại Libye.” Trước đó, một ủy ban đặc biệt của AU đã đạt tiến bộ khi xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy có thể có được một cam kết từ hai phía, chính quyền Libye và NTC. Người phát ngôn của Tổng thống Zuma cho rằng lệnh bắt giữ của ICC đang hủy hoại nỗ lực của ủy ban này.

N. KIỆT (Theo WSJ, LA Times, Reuters)

Chia sẻ bài viết