12/09/2009 - 14:22

Xung quanh cuộc khủng hoảng chính trị ở Liban

Ông Hariri. Ảnh: AP

Thủ tướng được chỉ định của Liban, ông Saad Hariri, ngày 10-9 đã bất ngờ tuyên bố từ chức vì không thể thành lập được chính phủ đoàn kết dân tộc sau hơn hai tháng đàm phán căng thẳng với phe đối lập. Như vậy, hy vọng nội các mới ra đời trước khi Tổng thống Michel Suleiman đến New York tham dự cuộc họp thường niên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 9 này khó xảy ra, dù ông Hariri có thể sẽ được tái chỉ định làm thủ tướng và quyết định từ chức vừa qua chỉ nhằm gây sức ép lên phe đối lập.

Ông Hariri là thủ lĩnh Phong trào vì tương lai, và là người đứng đầu Liên minh 14 tháng 3 đã về nhất trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 6-2009 với 71 ghế trong quốc hội 128 thành viên. Nhà lãnh đạo 39 tuổi này đã được Tổng thống Suleiman giao trọng trách thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực theo thỏa thuận đạt được giữa các phe phái hồi tháng 7. Theo đó, chính phủ mới sẽ bao gồm 30 bộ trưởng, trong đó liên minh của ông Hariri được 15 ghế, Liên minh 8 tháng 3 (giữa phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah và Phong trào yêu nước tự do) được 10 ghế, và 5 ghế còn lại do tổng thống bổ nhiệm. Hệ thống chính trị chia sẻ quyền lực ở quốc gia Trung Đông này cũng quy định tổng thống là người Thiên chúa giáo, thủ tướng là người Hồi giáo dòng Sunni và chủ tịch quốc hội là người Hồi giáo dòng Shiite. Theo các nhà phân tích, giới lãnh đạo Sunni của ông Hariri chịu sự tác động của Arabie Séoudite và Mỹ, trong khi phái Shiite bị ảnh hưởng từ hai thế lực đối đầu với phương Tây là Iran và Syrie.

Theo hãng tin Bloomberg, vấn đề mấu chốt trong tiến trình đàm phán thành lập chính phủ Liban nằm ở chiếc ghế bộ trưởng viễn thông do có sự tranh chấp không khoan nhượng giữa phe ông Hariri và Michel Aoun, thủ lĩnh Phong trào yêu nước tự do, được Hezbollah hậu thuẫn. Cựu tướng quân đội Michel Aoun muốn con rể của mình là Gebran Bassil tiếp tục giữ ghế bộ trưởng viễn thông nhằm chống lại ý định tư nhân hóa hai công ty điện thoại di động của chính quyền mới. Đặc biệt, bộ này có vai trò rất quan trọng trong việc hợp tác với quốc tế điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri, thân phụ của ông Saad Hariri, mà Syrie bị tình nghi có dính líu. Bộ này cũng nắm vai trò thu thập thông tin tình báo và phản gián trong cuộc đối đầu với Israel.

Quyết định từ chức của ông Hariri được cho là nhằm gây áp lực buộc phe đối lập nhượng bộ chiếc ghế bộ trưởng viễn thông, với hy vọng có thể giúp làm sáng tỏ vụ ám sát cha mình năm 2005.

Khủng hoảng chính trị là chuyện không mới ở Liban. Hồi năm 1969, chính trường nước này từng trải qua giai đoạn thành lập chính phủ kéo dài trong 9 tháng. Mới đây, hồi cuối năm 2007 đầu năm 2008, chiếc ghế tổng thống Liban đã phải để trống hơn sáu tháng do các phe phái tranh giành, mặc cả với nhau.

KIẾN HÒA
(Theo Guardian, AFP, Bloomberg)

Ông Hariri. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết