16/11/2010 - 08:42

Xung quanh cuộc cải tổ nội các ở Pháp

Tổng thống Sarkozy (trái) và Thủ tướng Fillon. Ảnh: AFP

Hôm qua, Chánh văn phòng Tổng thống Pháp, Claude Guéant, đã thay mặt Tổng thống Nicolas Sarkozy công bố thành phần chính phủ mới của Thủ tướng vừa được tái bổ nhiệm François Fillon.

Điện Élysée cho biết chính phủ mới tinh gọn và chuyên nghiệp hơn với 31 thành viên (bao gồm cả Thủ tướng), giảm 7 thành viên so với chính phủ trước đó. Đây sẽ là chính phủ “chiến đấu” để tiếp tục các chương trình cải cách của Tổng thống Sarkozy, sau khi nhiều thay đổi trong hệ thống lương hưu bị phản đối mạnh mẽ ngay khi vừa được ký thành luật cuối tuần qua. Những gương mặt nổi bật trong chính phủ mới có nhà chính trị cánh hữu Alain Juppe, cựu Thủ tướng dưới thời Tổng thống Jacques Chirac, trở lại trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng. Bà Michele Alliot-Marie, cựu Bộ trưởng Tư pháp và Quốc phòng, được đề cử làm Ngoại trưởng. Hai ghế Bộ trưởng Tài chính và Nội vụ vẫn thuộc về Christine Lagarde và Brice Hortefeux.

Sau 8 tháng cân nhắc về chính phủ mới, ông Sarkozy quyết định sa thải một số bộ trưởng của cánh tả, trung lập và các cộng đồng nhập cư. Trong đó có Ngoại trưởng Bernard Kouchner, Bộ trưởng Thể thao gốc Senegal Rama Yade, Bộ trưởng Quốc phòng Herve Morin và Bộ trưởng Môi trường Jean Louis Borloo. Một nhân vật đáng chú ý khác cũng bị gạt ra rìa là Eric Woerth, cựu Bộ trưởng Lao động, người đã xúc tiến cải cách hệ thống lương hưu gây phản ứng trong dân chúng thời gian qua. Ông này cũng là trung tâm vụ bê bối liên quan tới chiến dịch gây quỹ tranh cử của ông Sarkozy năm 2007. Chủ tịch UMP Xaviuer Bertrand là người thay thế Woerth.

Cải tổ nội các là nhằm củng cố sự ủng hộ dành cho ông Sarkozy trước cuộc bầu cử năm 2012, nhưng báo Independent (Anh) ngày 15-11 cho rằng động thái này lại thu hút chú ý về sự sa sút của tổng thống, thậm chí tạo điều kiện cho các đối thủ chính trị của ông tăng thêm “sức mạnh”.

Theo kênh truyền hình France 24 (Pháp), Tổng thống Sarkozy buộc phải thừa nhận Thủ tướng Francois Fillon, 56 tuổi, là người không thể sa thải vì ông này nhận được sự ủng hộ của cử tri trung hữu và các nghị sĩ. Ông Sarkozy đã đề nghị Thủ tướng Fillon từ chức hôm 13-11 và rồi phải tái bổ nhiệm vào sáng 14-11. Vấn đề là mối quan hệ giữa hai nhân vật này thường xuyên căng thẳng. Tháng trước, ông Fillon đã tự tạo khoảng cách với ông Sarkozy bằng tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng Sarkozy không phải “cố vấn” của ông.

Một vấn đề khác là hai tuần trước khi cải tổ nội các, Bộ trưởng Borloo dự kiến sẽ là người thay thế Thủ tướng Fillon, nhưng rốt cuộc phải rời khỏi chính phủ, khi ông Fillon được tái bổ nhiệm. Ông Borloo được đề nghị giữ một vài vị trí chủ chốt khác, trong đó có chiếc ghế Ngoại trưởng, nhưng ông không đồng ý. Nghiều nguồn tin cho biết ông Borloo có thể tự tranh cử tổng thống vào năm 2012. Ông còn quay sang chỉ trích Tổng thống Sarkozy, cho rằng ông Sarkozy đang tiến hành “giải pháp đối đầu” để cải cách lương hưu và các chính sách xã hội khác.

Các bộ trưởng mãn nhiệm cũng chỉ trích ông Sarkozy thành lập chính phủ hẹp và không cân bằng. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Morin thậm chí cho rằng chính phủ mới là “một ủy ban vận động tranh cử dựa vào phe bảo thủ”.

N. MINH (Theo AFP, Independent, France24)

Chia sẻ bài viết