15/10/2023 - 09:18

Xuất khẩu bữa cơm chay thuần Việt 

Sau gần 35 năm xuất khẩu gạo sơ chế, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu bữa cơm chay vào thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Ðơn vị tạo ra thành tựu này là doanh nghiệp tư nhân (DNTN) ở tỉnh Ðồng Tháp.

GS.TS Võ Tòng Xuân trong lần tham quan và thích thú với sản phẩm đạm thực vật đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của DNTN Bình Loan.

Tôn tạo sắc màu văn hóa bữa ăn Việt

Tháng 8-2023, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu 5.000 bữa cơm chay vào Anh quốc. Ðây là được xem là niềm tự hào sau gần 35 năm xuất khẩu gạo. Tự hào hơn khi đơn vị chinh phục thị trường khó tính bậc nhất thế giới này là DNTN thực phẩm chay Bình Loan ở TP Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thái Thanh Bình, chủ doanh nghiệp, nhiều lần nhấn mạnh đến cụm từ “bữa cơm chay” như niềm tự hào. Bởi theo ông, ở đó không chỉ là cơm thuần túy, mà còn khuyến mãi thêm cả mùi vị và sắc màu văn hóa bữa ăn thuần Việt.

Là người có hơn 20 năm ăn chay nên hơn ai hết, ông Bình biết cách thiết kế bữa cơm chay có đủ các yếu tố đạm thực vật để người ăn chay, hay ăn theo chế độ dưỡng sinh, cần có. Theo đó, bữa ăn gồm có 2 phần chính là cơm và thức ăn. Nhưng chỉ riêng cơm, có đến 7 thành phần: gạo lứt, hạt sen, hạt bắp, hạt đậu, tàu hủ ky, bông cải, cà rốt. Phần thức ăn cũng rất phong phú với hàng chục món trong hơn 30 sản phẩm chay mà ông tự sản xuất, chế biến. Ðiều này không chỉ giúp người tiêu dùng có được sự lựa chọn đúng “gu” khẩu vị, mà còn có thể làm mới khẩu vị, như tàu hủ ky khìa nước dừa, nấm xào xả ớt, tàu hủ ky cuộn rong biển… Bên trên mỗi phần cơm lại có thêm vài lát ớt chín đỏ, mấy cọng ngò xanh… tạo điểm nhấn sắc màu cho bữa ăn thêm thăng hoa cảm xúc. Ðộc đáo hơn là chỉ cần thao tác đơn giản là khay cơm chay có thể biến ngay thành bữa ăn “chuẩn cơm mẹ nấu”. Ông Bình cho biết bữa ăn được đựng trong khay nhựa do Tập đoàn Mỹ Lan, tỉnh Trà Vinh, sản xuất, có khả năng chịu nhiệt trên 1400C nên chỉ cần đưa vào lò vi sóng trong vài phút là có bữa ăn nóng, đủ màu sắc, hương vị và dưỡng chất để mọi người Việt xa quê cảm thấy ấm lòng nơi xứ người.

Phát pháo lệnh đột phá tư duy kinh doanh

Khay cơm chay của doanh nghiệp Bình Loan xuất khẩu vào Anh quốc được xem như sự kiện tự hào cho Việt Nam. Bởi đây là thị trường khó tính bậc nhất thế giới, đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng hàng loạt các yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, từ hạt gạo cho đến các món đạm thực vật… Trong khi đó “truyền thống” sản xuất tàu hủ, tàu hủ ky là có sử dụng hóa chất. Vì vậy, để có sản phẩm đạt yêu cầu, doanh nghiệp Bình Loan đã sáng tạo nhiều cách làm mới. “Sau nhiều lần thử nghiệm, chúng tôi đã đúc kết công thức ức chế vi sinh bất lợi trong khâu lên men đậu bằng giải pháp nhiệt và dung dịch muối” - ông Bình chia sẻ. Nhờ cách làm “nói không với hóa chất” mà hơn 30 sản phẩm của Bình Loan được các cơ sở thực phẩm chay và nhiều hệ thống siêu thị lớn trong nước đón nhận. Vì thế khi đưa vào bữa ăn, các sản phẩm đạm thực vật đều vượt qua hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt của nhà nhập khẩu. Là người gắn bó lâu năm với cơ sở Bình Loan như chuyên gia đỡ đầu, GS.TS Võ Tòng Xuân đã gọi khay cơm chay của Bình Loan là tinh hoa của lúa gạo nên ông đã gợi ý và được ông Bình đồng tình, lấy tên thương mại là cơm Tinh Hoa khi phục vụ thị phần trong nước và quốc tế trong thời gian tới.

Khai cơm chay xuất khẩu của DNTN Bình Loan.

Trước mắt, sau khi được chấp nhận vào quốc đảo sương mù, khay cơm chay trọng lượng 300gr của Bình Loan được bán với giá 1,5 bảng. Ðây được xem là thắng lợi lớn về mặt kinh tế so với xuất khẩu gạo “thô” như thời gian qua. Theo các chuyên gia, khay cơm này như phát pháo lệnh mở ra sự đột phá tư duy kinh doanh lúa gạo trong bối cảnh mới. ThS Nguyễn Phước Tuyên, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ðồng Tháp, cho rằng đây là tín hiệu tích cực, tạo giá trị gia tăng cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. “Sau gần 35 năm xuất khẩu gạo dưới hình thức sơ chế, lần đầu tiên, chúng ta có được mặt hàng chuyên sâu. Thành công này gợi mở cho các ý tưởng về sản phẩm mới của ngành lúa gạo, như nếp ăn liền… ra đời và vươn ra biển lớn” - ông Tuyên kỳ vọng.

Ðể nâng cao giá trị lúa gạo trong bối cảnh được dự báo là cạnh tranh ngày càng khốc liệt, có lẽ gạo Việt Nam phải bắt đầu từ những thay đổi nhỏ như thế!l    

Bài, ảnh: THANH MAI

Chia sẻ bài viết