02/04/2009 - 20:53

Công nghiệp hóa ngành nuôi và chế biến cá tra, ba sa ở ĐBSCL

Xu hướng tất yếu !

Sau hơn 10 năm phát triển, sản phẩm cá tra, ba sa của Việt Nam đã vươn đến thị trường 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, đóng góp đến 32% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản. Tuy nhiên, việc phát triển nghề nuôi và chế biến cá tra, cá ba sa vẫn còn bấp bênh. Công nghiệp hóa ngành nuôi và chế biến cá tra, ba sa được xem là xu hướng tất yếu, giải pháp căn cơ nhằm phát huy hết hiệu quả, đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho tất cả các khâu trong chuỗi liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ cá tra, ba sa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)…

* NHẬN DIỆN ĐIỂM YẾU

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2008, kim ngạch xuất khẩu cá tra, ba sa đã đạt hơn 1,44 tỉ USD chiếm khoảng 2,0% GDP của cả nước, sản lượng cá tra trong năm 2008 đã đạt hơn 1,1 triệu tấn, tăng 50 lần, giá trị xuất khẩu tăng 65 lần so với 10 năm trước. Trên thế giới chưa có một sản phẩm thủy sản nào chỉ trong một thời gian ngắn mà được nhiều thị trường chấp nhận, ưa chuộng và có tốc độ phát triển nhanh như sản phẩm cá tra Việt Nam. Thời tiết ấm áp, nước ngọt quanh năm, lúc nào cũng có thể thả nuôi được, là một lợi thế riêng của Việt Nam mà những quốc gia chung dòng Mê Công như Thái Lan, Campuchia... không có được. Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, vùng ven sông Tiền, sông Hậu của nước ta thừa sức tăng diện tích nuôi gấp đôi, gấp 3 lần diện tích nuôi hiện tại nếu quản lý và xử lý tốt nước thải từ vùng nuôi. Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến năm 2020 diện tích nuôi cá tra đạt 13.000ha (gấp đôi hiện nay), sản lượng xấp xỉ 2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỉ USD là hoàn toàn khả thi. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP cho biết sản phẩm cá tra Việt Nam đang chiếm lĩnh đến hơn 99,9% thị trường thế giới, vị trí “độc tôn” này sẽ còn được giữ vững trong nhiều năm nữa. Nếu như chúng ta có giải pháp phát triển tốt thì trong tương lai không xa kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ “qua mặt” cả mặt hàng lúa gạo (!).

Thu hoạch cá tra ở tp Cần Thơ. Ảnh: PHÚ KHỞI 

Chính yếu tố diện tích nuôi phát triển quá nhanh, ngành chức năng không kịp quy hoạch vùng nuôi, vùng nguyên liệu chế biến thức ăn phục vụ cho vùng nuôi, do vậy từ trước đến nay việc quản lý nghề nuôi và chế biến cá tra gần như “bỏ ngỏ”. Diện tích ao nuôi được mở rộng đến đâu thì nhà máy chế biến lại mọc lên đến đó. Mặc dù VASEP đã có nhiều đề xuất tập hợp doanh nghiệp chế biến lại, tuy nhiên cho đến nay mối liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến vẫn còn khá lỏng lẻo. Chính kiểu “mạnh ai nấy làm” đã phát sinh tình trạng doanh nghiệp tự phá giá lẫn nhau gây thiệt hại và làm giảm uy tín thương hiệu cá tra, ba sa Việt Nam. Mối liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất từ khâu sản xuất con giống, nuôi trồng, cung ứng thức ăn chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ rất rời rạc, lợi nhuận sản xuất phân bố không hợp lý tạo nên sự bất ổn trong sản xuất ngành hàng này.

* GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Xúc tiến xây dựng ngay đề án tổng thể về sản xuất-chế biến, tiêu thụ cá tra, ba sa để trình Chính phủ phê duyệt làm căn cứ pháp lý thực hiện, là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sản xuất tiêu thụ cá tra, ba sa vùng ĐBSCL. Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành và địa phương có vùng nuôi cá tra phải xác định cá tra, ba sa là sản phẩm xuất khẩu chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. Mục tiêu của đề án phải phát huy tối đa lợi thế này để mang lại lợi nhuận cao nhất cho tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất. Để thực hiện được mục tiêu trên, thì đề án phải nêu rõ quy hoạch vùng nuôi, diện tích nuôi bao nhiêu là vừa, nơi sản xuất con giống, thức ăn thủy sản, chế biến sản phẩm, quản lý chất lượng sản phẩm; hướng ngành sản xuất tiêu thụ cá tra theo quy mô sản xuất công nghiệp, là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của đất nước. Thủ tướng cũng yêu cầu đề án phải có định hướng quy hoạch, quy chế điều hành, quản lý đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển vùng nuôi bền vững, xây dựng thương hiệu nâng cao uy tín sản phẩm cá tra, ba sa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có cơ chế hỗ trợ nghiên cứu khoa học- chủ yếu là khâu sản xuất con giống, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đầu tư hạ tầng thủy lợi cho vùng nuôi thủy sản. Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ NN&PTNT về việc đưa dần sản phẩm phi lê cá tra đông lạnh xuất khẩu vào quản lý theo cơ chế thị trường tập trung.

Mới đây, tại Hội thảo xuất khẩu thủy sản vào thị trường CHLB Nga, tổ chức ở TPHCM vào cuối tháng 3-2009, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương, cho biết: Vào đầu tháng 4-2009, CHLB Nga sẽ chính thức nhập khẩu sản phẩm cá tra Việt Nam trở lại. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng đã thành lập Ban điều hành xuất khẩu cá tra sang Nga do Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Vương (Tiền Giang) Dương Ngọc Minh làm Trưởng ban. Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Brazil cũng cho biết, cơ quan chức năng nước này đã cho phép 60 doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu thủy sản vào Brazil, một thị trường lớn với hơn 190 triệu dân, và mở ra cơ hội thâm nhập thị trường các nước Nam Mỹ cho thủy sản Việt Nam. Hiện nay, một số doanh nghiệp của Brazil đã tới Cơ quan thương vụ Việt Nam đưa ra yêu cầu tìm đối tác để nhập khẩu 2.000 - 3.000 tấn cá tra, ba sa của Việt Nam, cung cấp cho mạng lưới siêu thị, trung tâm phân phối và hệ thống nhà hàng khách sạn toàn quốc. Trước đây, Brazil đã từng nhập thủy sản của Việt Nam nhưng phải qua trung gian của thương nhân một nước thứ ba mà chưa có điều kiện nhập trực tiếp từ các doanh nghiệp Việt Nam. Với những diễn biến hết sức thuận lợi về mặt thị trường đã mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi và chế biến cá tra, ba sa Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Để có kim ngạch xuất khẩu hàng tỉ USD thì con tôm sú cần hơn nửa triệu ha mặt nước, lúa gạo cần hơn 1 triệu ha đất sản xuất lúa hàng hóa, nhưng với con cá tra chỉ cần vài ngàn ha mặt nước là đủ. Mặt khác, chuỗi sản xuất chế biến tiêu thụ cá tra còn được xem là ngành sản xuất tạo ra được công ăn việc làm nhiều nhất cho người lao động, là thế mạnh thứ hai sau cây lúa tại ĐBSCL. Phát triển ổn định nghề nuôi chế biến cá tra, ba sa sẽ là đòn bẩy vực dậy tiềm năng kinh tế cho khu vực nông thôn vùng ĐBSCL.

HUỲNH VĂN

Chia sẻ bài viết