19/03/2018 - 07:02

Xin đừng quên họ! 

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ vừa tổ chức họp hội đồng cơ sở xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (NNƯT). Có 9 nghệ nhân được đề cử đợt này gồm: Minh Phú, Minh Huấn, Nguyễn Thanh Liêm, Thạch Sĩ Long, Bùi Như Nguyệt, Đào Xinh, Nguyễn Thanh Tùng, Hai Lợi và Hoàng Lưỡng. 9 nghệ nhân đều thuộc lĩnh vực đờn ca tài tử.

Cần Thơ vẫn còn nhiều người thực hành trình diễn dân gian nhạc lễ, nhưng chưa được đề cử danh hiệu NNƯT. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Cần Thơ vẫn còn nhiều người thực hành trình diễn dân gian nhạc lễ, nhưng chưa được đề cử danh hiệu NNƯT. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Tài nghệ và đóng góp của 9 nghệ nhân kể trên cho văn hóa Cần Thơ trong suốt nhiều năm qua cho thấy họ hoàn toàn xứng đáng với đề cử. Tuy nhiên, lần đề cử này lại giẫm vào “vết xe đổ” từ đợt đề cử cách đây 3 năm, bởi Cần Thơ đâu chỉ có đờn ca tài tử. Việc chăm chăm một lĩnh vực thế này sẽ khiến việc lựa chọn của hội đồng cấp trên khó tìm ra những nghệ nhân nổi bật, thế là những người rất xứng đáng như nghệ nhân Hai Lợi, Đào Xinh… đã bị đánh rớt trong đợt công nhận trước đây. Trong khi nhiều người vẫn nói, ở Cần Thơ mà nghệ nhân Hai Lợi không được NNƯT thì liệu ai xứng đáng?

Không chỉ có vậy. Dư luận đặt câu hỏi những người tham mưu lĩnh vực này “đãi cát tìm vàng” tới đâu, mà chỉ thấy có mỗi đờn ca tài tử, để rồi bỏ quên những loại hình khác như hát bội, nhạc lễ, thực hành lễ hội, điêu khắc… Ví như ông Nhạc Bưởi ở Ô Môn, đời nối đời theo nghiệp nhạc lễ, ông đang nắm giữ bao tri thức của nhạc lễ Nam bộ, đào tạo biết bao học trò giỏi nghề. Ông rất xứng đáng được đề cử! Hay nữ bầu gánh hát bội Phương Ánh, cũng là nghiệp gia truyền, cũng gắn bó với nghệ thuật diễn xướng này trong cảnh “cơm áo gạo tiền” bủa vây. Một danh hiệu cho bà là điều rất nên làm, nhằm ghi nhận những cống hiến cho hát bội Cần Thơ. Cũng chuyện hát bội, cố nghệ nhân Bầu Hiếu (quận Ninh Kiều), 3 đời hát bội, làm bầu, cũng đáng được vinh danh. Những người đã chứng kiến cảnh cuối đời Bầu Hiếu sống cảnh khó nghèo, bệnh tật mà vẫn “ư… a…” câu hát bội mới thấy tình yêu nghệ thuật truyền thống của ông lớn đến dường nào.

Hay ở lĩnh vực trình diễn dân gian Lân - Sư - Rồng, Cần Thơ đang đứng nhất, nhì cả nước. Hàng chục Kỷ lục, Huy chương trong các kỳ thi, liên hoan chứng minh cho điều đó. Cần Thơ có Lư Ấn Đường, Lê Yến Quyên… là những người đang nắm giữ tri thức những bài múa lân trên cột, trên mai hoa thung… tuyệt đỉnh. Vậy mà họ cũng không được đề cử. Xin điển hình thêm rất nhiều lĩnh vực khác, đó là nghệ nhân Sáu Trọng - người nắm giữ bí quyết gói bánh tét lá cẩm trứ danh; là nghệ nhân Mười Xiềm - với tuyệt kỹ bánh xèo; là ông Chín Hoằng, ông Năm Mới nổi danh về kỹ thuật tạo hình, chưng kết trái cây ngày Tết; còn rất nhiều nghệ nhân Khmer với loại hình thực hành lễ hội…

Thực tế đời sống cho thấy văn hóa dân gian Cần Thơ phong phú và được thực hành hằng ngày, chẳng hề thua kém bất kỳ địa phương nào, thì lý do gì ta lại khu biệt, “lấy đá ghè chân mình” như thế? Kinh nghiệm các địa phương đề cử trên 20 nghệ nhân và được công nhận gần như tất cả như Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh… mới thấy, họ rải đều các lĩnh vực, mỗi lĩnh vực lựa chọn một vài người và đó là những người thật nổi bật.

Chuyện chỉ chăm chăm vào một lĩnh vực đã được NNƯT Minh Thơ trình bày trong cuộc họp hội đồng cơ sở vừa qua. Ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phải rà soát, nếu có, phải bổ sung những nghệ nhân ở các lĩnh vực khác. Sự quan tâm ấy là kịp thời. Mong rằng, các đơn vị hữu trách, bằng hết trách nhiệm của mình, rốt ráo tìm kiếm những nghệ nhân xứng đáng, giúp đỡ họ làm hồ sơ, thủ tục để được vinh danh, trước khi muộn.

Xin đừng quên họ - những báu vật sống của văn hóa Cần Thơ!

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết