26/03/2009 - 10:26

Xem “Tình án”
Kiểu làm phim minh họa tác phẩm văn học

Gia đình ông Huyện Hàm Tân trong phim “Tình án”.
Ảnh: tfs.com.vn

“Tình án” (phim truyền hình Việt Nam dài 23 tập, phát sóng trên HTV9 lúc 18 giờ chủ nhật, thứ hai, thứ ba hằng tuần) được chuyển thể từ tiểu thuyết “Cư Kỉnh” của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Với bối cảnh những năm cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII, những nhân vật ăn vận, nói năng mang hơi hướng “hương xưa” đậm phong cách Nam Bộ, bộ phim đã đem đến không khí khác biệt cho khán giả màn ảnh nhỏ. Tuy nhiên, “Tình án” đã không hấp dẫn như mong đợi...

Chuyện phim xoay quanh cái chết bất ngờ với một lưỡi dao rọc giấy cắm trên ngực của Chí Cao – nhà văn chuyên viết tiểu thuyết diễm tình và dùng vẻ ngoài hào hoa quyến rũ phụ nữ. Chí Cao lại là hàng xóm của thân thiết của gia đình ông Huyện Hàm Tân – một “danh gia vọng tộc” nề nếp gia phong ở Cần Thơ. Cái chết của Chí Cao gây nhiều điều tiếng cho gia đình ông Huyện. Phủ Huyền – một quan chức trẻ từng chịu ơn gia đình ông Huyện quyết tìm hung thủ, trả lại sự trong sạch cho ân nhân. Kẻ bị tình nghi đầu tiên là đôi tình nhân Quận và Bảng. Quận là đầy tớ của Chí Cao, còn Bảng là đầy tớ nhà ông Huyện. Họ bị nghi ngờ giết chủ đoạt gia tài. Trong khi đó, Quận và Bảng bỏ trốn vì Bảng đã lỡ mang thai... Hướng điều tra chuyển sang người vợ bị Chí Cao ruồng bỏ, bởi cô bị cho là người cuối cùng gặp Chí Cao. Khi hung thủ thực sự lộ diện, thì Phủ Huyền lại vô cùng khó xử. Bởi đó là cô con gái thứ ba của nhà Hàm Tân tên Thanh Túy – một tiểu thơ sống theo lối tân thời, mê tiểu thuyết diễm tình và cũng không thoát khỏi lưới tình của Chí Cao...

Có thể nói, khó mà tìm được “sạn” trong “Tình án”. Bối cảnh phim phần lớn diễn ra trong các nhà ngôi nhà cổ, phục trang của diễn viên cũng được chăm chút cẩn thận, lời thoại chỉn chu bởi chủ yếu dựa trên tác phẩm văn học của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Thế nhưng, phim lại khiến người xem có cảm giác như đây là một tác phẩm “Cư Kỉnh” được minh họa bằng hình – với những con người đi tới đi lui, nói năng như trả bài. Dường như người xem thấy thiếu sự gia công, dấu ấn của biên kịch, đạo diễn – bởi phim thiếu kịch tính và thiếu cao trào. Thật đáng tiếc, vì phim sẽ thu hút khán giả hơn nếu không có quá nhiều tình tiết thừa thãi kéo dài dây dưa tập trung vào việc điều tra đôi tình nhân Quận – Bảng (chiếm gần 2/3 số tập phim); mà xoáy sâu vào những băn khoăn trăn trở của Phủ Huyền phải chọn lựa giữa lý và tình khi buộc lòng phải đưa con gái của ân nhân ra trước vành móng ngựa; hay nỗi thống khổ của ông bà Huyện Hàm Tân trước cảnh con gái cưng vì bị lừa tình mà trở thành hung thủ giết người. “Tình án” gây cho người xem cảm giác: lại thêm một phim làm theo kiểu minh họa nữa...!

“Tình án” là một “món ăn lạ” giữa lúc truyền hình tràn ngập các bộ phim tình cảm – hài, nhưng tiếc thay lại quá “lạt miệng”.

Xuân Viên

Chia sẻ bài viết